Tuy nhiên các DN XK nếu không được tham vấn thường xuyên và cụ thể về vấn đề này, những cơ hội có thể biến thành thách thức khi các DN chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng với những quy định từ hiệp định.
“Giảm thuế không phải là tất cả!”
Theo đánh giá của các chuyên gia, hàng hoá XK của Việt Nam sẽ có được nhiều lợi ích hơn từ việc cắt giảm các dòng thuế theo EVFTA và có thể nâng kim ngạch XK sang EU lên đến 30 - 40%. Tuy nhiên, từ góc độ của các DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, EU là thị trường lớn, mang tính định hướng nên DN rất kỳ vọng vào việc giảm thuế, nhưng “giảm thuế không phải là tất cả!”.
Thủy sản Việt Nam sẽ gặp nhiều rào cản trên thị trường quốc tế (Ảnh: KT) |
Lý giải về điều này, ông Nam cho rằng Việt Nam là nước đứng thứ 3 về nuôi trồng và đứng thứ 4 về XK thuỷ sản, với nhiều mặt hàng như cá tra, tôm có thị phần lớn ở EU, nên các DN luôn chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ. Với đặc thù như vậy nên các DN XK thuỷ sản luôn phải đương đầu với rào cản do các nước đặt ra. Do đó, ông Nam cho rằng, có thể hàng hoá XK của Việt Nam và thuỷ sản nói riêng được hưởng lợi về thuế, song với những vấn đề “không thuộc về thuế”, đặc biệt là các rào cản bảo hộ mà nhiều nước đặt ra, nếu DN không đáp ứng được thì nguy cơ bị “loại” ra khỏi cuộc chơi là hoàn toàn có thể.
“Xu hướng bảo hộ ngày càng được nhiều nước sử dụng, do đó nếu không có sự tham vấn DN tốt thì có thể DN chỉ được hưởng một chút thuế nhưng lại mất đi những chi phí khác lớn hơn rất nhiều. Đơn cử như với cá tra, đây là mặt hàng có lợi thế ở nước ta, song châu Âu cũng có loài cá nước lạnh khác cạnh tranh với cá tra, nên EU có thể xây dựng các yêu cầu về TBT và SPS (các rào cản kỹ thuật và biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật-PV) hay các rào cản như môi trường, an toàn kỹ thuật, trách nhiệm xã hội… đối với cá tra Việt Nam, do đó quá trình tham vấn và đàm phán rất cần lưu tâm xem khả năng đáp ứng của DN đến đâu”, ông Nam lo lắng.
Đối với ngành cà phê, lộ trình cắt giảm và mức thuế lại là vấn đề được các DN XK quan tâm. Bởi theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), mặc dù thuế XK vào EU có mức trung bình là 2,6%, song ở từng mặt hàng thì lại có mức thuế khá cao. Theo đó, chỉ sản phẩm cà phê nhân có chất khử cà-phê-in được hưởng mức thuế 0%, còn cà phê nhân mà chưa có cà-phê-in có mức thuế 8,3%; cà phê rang xay có cà-phê-in là 7,5%, không có cà phê in là 9% và cà phê hoà tan là 9%. Đây là mức thuế khá cao, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các DN XK cà phê.
Theo cam kết của WTO, thuế cho các sản phẩm cà phê nhân đã giảm về 0%, trong khi Việt Nam lại rất có thế mạnh XK sản phẩm này nên ông Vinh cho rằng, nếu EU vẫn giữ mức thuế trên 8% thì rất khó cải thiện được kim ngạch XK. Chưa kể, định hướng phát triển của ngành cà phê sắp tới sẽ nâng tỷ trọng cà phê chế biến từ 10% lên 20%, nên với mức thuế hiện nay là 9% cần phải có lịch trình tham vấn và nội dung đàm phán phù hợp, để đảm bảo mang lại lợi ích cho DN nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thông qua giảm thuế.
Cam kết phù hợp với DN
Thuỷ sản hay cà phê là hai trong số những mặt hàng nông nghiệp XK có thế mạnh của Việt Nam, nên hai ngành này được kỳ vọng về những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Song, nếu quá trình đàm phán không đi kèm với việc tham vấn và lấy ý kiến từ chính các DN, thì những cơ hội có thể trở thành nguy cơ cho chính DN XK khi vào các thị trường có FTA. Bài học từ việc gia nhập WTO hay các hiệp định thương mại khác vẫn được các chuyên gia nhắc đến như một lời cảnh báo, khi có không ít ngành đã phải chịu sự tổn thương do không có sự chuẩn bị tốt khi hội nhập.
Ông Ngô Văn Điểm, Phó chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam lo ngại: “Hiệp định được đàm phán ở tầng vĩ mô nhưng các nhà đàm phán chưa biết tầng vi mô là các DN và người sản xuất, kinh doanh chuẩn bị như thế nào? Thực tế từ khi tham gia WTO, DN nội càng thua thiệt so với DN nước ngoài, thị phần của DN ngoại tăng từ 50 lên 64%. Bởi vậy nếu chỉ lo “tầng trên” mà “tầng dưới” không được tham vấn đầy đủ, có sự chuẩn bị thì khó vượt qua, DN sẽ thua trên sân nhà, chứ chưa nói trên sân bạn”.
Theo ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn nghiên cứu chiến lược chính sách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc cắt giảm thuế sẽ giúp DN đẩy mạnh XK vào EU, song vẫn còn nhiều rào cản đặt ra. Đó là những yêu cầu về chỉ dẫn địa lý (GI), các rào cản SPS và TPT (các rào cản kỹ thuật và biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật- PV) hay các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đối với một số ngành đặc thù mà Việt Nam có thế mạnh như tôm và cá tra, các rào cản xâm nhập EU lại đến từ các cam kết về thuế quan và phi thuế. “Do đó, cần đàm phán để DN xin được GI nhanh và rẻ nhất, đảm bảo giảm thuế xuống mức bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực, các yêu cầu kỹ thuật không quá khắt khe để DN có khả năng đáp ứng”-ông Trần Công Thắng đề nghị./.