Vui mừng nhận túi đồ ăn gồm rau, thịt, trứng do thành viên Tổ Covid cộng đồng của tổ dân phố 7, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột đi chợ hộ, chị Trần Thị Hằng ở đường Nguyễn Xuân Nguyên cho biết, gia đình chị được phát phiếu đăng ký đi chợ hộ vào tối 26/8. Ngay sáng 27/8, chị lập tức gửi phiếu đi chợ vào nhóm zalo của phường và nhận được hàng trong buổi chiều.

“Tôi thấy việc phường triển khai đi chợ hộ cho người dân trong bối cảnh thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch là rất hiệu quả. Chúng tôi muốn mua gì, chỉ cần alo để nhờ bên phường sẽ có người mua dùm đưa đến tận nhà để cho gia đình chúng tôi ở nhà tránh dịch. Tôi thấy đoàn thanh niên rồi các chị phụ nữ rất nhiệt tình về vấn đề lo cho dân” - chị Hằng nói.

Thành phố Buôn Ma Thuột đã thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ 18h, ngày 26/7. Theo đó, trong 5 ngày đầu, thành phố yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà để dồn lực làm test nhanh toàn bộ gần 375.000 dân, nhằm sớm loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng. Trong thời gian này, UBND thành phố Buôn Ma Thuột giao các xã, phường thành lập “siêu thị 0 đồng” để phục vụ các hộ dân khó khăn, đồng thời thực hiện mô hình “Đi chợ giúp dân”. Thực hiện mô hình này tại phường Thống Nhất.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng Tổ dân phố 1 cho biết: “Các hộ dân sẽ được phát phiếu đi chợ cùng với mặt sau là ghi các thông tin yêu cầu chi tiết thì người dân sẽ kê khai các thực phẩm thiết yếu vào tờ đằng sau. Người dân chụp và gửi qua nhóm zalo của tổ dân phố chúng tôi. Tổ dân phố chúng tôi tổng hợp trở lại và gửi cho ủy ban nhân dân phường để Ủy ban nhân dân phường thực hiện công tác mua sắm cho người dân”.

Điểm khác biệt trong việc cung cấp hàng hóa cho người dân ở thời điểm này, là lần đầu tiên, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện bán hàng theo các “combo lương thực thiết yếu” có sẵn với các mức giá từ 100.000 - 500.000 đồng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.  Mỗi combo thường có các mặt hàng như: thịt, cá, rau, củ, trái cây, dầu ăn, gia vị, nước mắm, trứng, sữa, gạo, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình….

Hiện tại có 5 đơn vị cung ứng trên địa bàn thành phố gồm siêu thị Go Buôn Ma Thuột, siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, chuỗi cửa hàng Vinmart, hệ thống Bách hóa xanh sẽ áp dụng hình thức bán hàng online, bán theo combo và thực hiện bình ổn giá đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho biết, siêu thị đã chủ động điều tiết lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bố trí đội ngũ nhân viên giao hàng để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Đơn vị cũng xây dựng combo các mặt hàng thiết yếu về rau củ quả, thịt cá để phục vụ cho người dân mua hang cho thuận tiện nhanh chóng. Còn về đơn hàng online thì các kênh truyền thông về facebook, zalo, số điện thoại đường dây nóng bên đơn vị sắp xếp bố trí nhân sự để thực hiện công việc tiếp nhận đơn hàng và khâu soạn hàng cũng như giao hàng cho khách hàng được nhanh chóng kịp thời” - bà Nhân nói.

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo tính toán của Sở Công Thương, nguồn tự cung của tỉnh thì heo có 830.000 con; trâu, bò có 305.000 con; đàn gà, vịt có gần 13.000.000 con; rau, củ quả có 10.500 ha… cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm tươi sống tại chỗ. Cùng với đó, gạo và các mặt hàng thực phẩm khác đã được dự trữ gấp 3 lần so với bình thường. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu được bảo đảm để người dân yên tâm cùng nhà nước chống dịch.

“Nguồn hàng thì rất dồi dào và các siêu thị, các trung tâm thương mại người ta đã có phương án huy động nguồn hàng đáp ứng đầy đủ, rất yên tâm. Ngày hôm qua trước khi thực hiện Chỉ thị 16 cũng không còn xảy ra tình trạng người dân đi mua hàng tập trung vào một thời điểm nữa, về cơ bản thì người ta cũng rất yên tâm” - ông Khôi thông tin thêm./.