Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, sáng 22/10, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đếncổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu nền kinh tế.

vov_doan_tp_hcm_xjus.jpg
Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM thảo luận sôi nổi về kế hoạch phát triển kinh tế

Không để thất thoát vốn Nhà nước thêm nữa

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt, đoàn TP HCM nêu ý kiến, cần phải tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng theo chiều sâu kết hợp chiều rộng. Hiện nay, chủ yếu dựa vào con người và nguồn vốn, trong khi đó năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh yếu. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa, đấu thầu, thoái vốn chưa thật quyết liệt và minh bạch.

Vị đại biểu này cũng đề nghị, trong kế hoạchtái cơ cấu, cần phải giảm bớt các ngành nghề quy định Nhà nước nắm giữ cổ phần, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, cần phải bán hoặc cho phá sản đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, để mất vốn nhà nước. Trên thực tế, có những đơn vị “chết” rồi mà vẫn chưa “chôn”.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Đạt (người đứng giữa) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ sáng 22/10

Ngoài ra, Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh đến việc tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược 2016-2020 là hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường XHCN, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chống thất thoát lãng phí trong đầu tư cần phải được quan tâm hàng đầu.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết vùng

Đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TP HCM cho hay, trong lĩnh vực khai khoáng và chế biến, chi phí khai thác khá cao, khai thác chế biến chịu nhiều thuế, phí: chiếm tới 50% giá thành sản phẩm, dẫn đến năng lực cạnh tranh kém.

Chính vì thế, ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM - nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng có xu hướng chững lại, một phần phản ánh việc thực hiện tái cơ cấu chưa thực sự hiệu quả, đòi hỏi Chính phủ cần quyết liệt hơn về cải cách thể chế.

Theo đại biểu này, kinh tế vĩ mô khó ổn định trong dài hạn do ngân sách eo hẹp, trả nợ tăng, vốn đầu tư phát triển co hẹp lại. Hiện tại, mức nợ công rất cao so với GDP, tạo áp lực gia tăng lên tăng trưởng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc

Ông Phạm Phú Quốc kiến nghị, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả chất lượng nền kinh tế, để án tái cơ cấu phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần tập trung các vấn đề mang tính đặc thù của vùng. Các nguồn lực cần phải được phân bổ phù hợp với từng vùng, địa phương. Đến nay, ngân sách, cơ chế chính sách cho các vùng vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, kết nối hạ tầng, quy hoạch không có nguồn lực riêng để phát triển vùng.

Liên kết vùng, giải quyết hạ tầng đô thị, liên kết sản xuất vùng vẫn chưa được quan tâm thích đáng, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Đây chính là một trong những nguyên nhân làm mất đi tính đột phá ở các khu vực. Trong thời gian tới, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, cần có đề án phát triển để chọn ra các ngành lợi thế của vùng để phát triển, ví dụ như phát triển cụm liên kết điện – điện tử, cụm liên kết chuỗi giá trị ngành logistic cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tạo sức bật lớn cho vùng.

Tránh đầu tư dàn trải

Ông Phạm Quang Thanh, đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội, nhận định, nếu coi kinh tế Việt Nam là một doanh nghiệp lớn thì với tốc độ tăng trưởng thấp, công ty con hoạt động không hiệu quả, đầu tư dàn trải, nợ nhiều, thì doanh nghiệp này coi như không hoàn thành kế hoạch.

Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh

“Chi thường xuyên quá nhiều, chi đầu tư phát triển tỷ trọng thấp. Tiền thì ít mà còn dải mành mành sẽ kém hiệu quả”, ông Thanh cho hay.

Về cổ phần hoá doanh nghiệp, đại biểu Phạm Quang Thanh lưu ý, Chính phủ đang lo bán có được giá hay không. “Phải mạnh dạn quyết định giá và bán, bán xong thì quên đi”, ông Thanh nói./.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV cho thấy, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. 

Trọng tâm trong việc triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020: Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường. Thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN, khi cổ phần hóa phải đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét, cho bán hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.