Tại cuộc họp về tiến độ 16 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) trên địa bàn Hà Nội và TP HCM do Bộ GTVT tổ chức. Một điều đáng chú ý là đa phần các dự án này đều rơi vào tình trạng lụt tiến độ và đội vốn khủng, từ 60-172%. Một trong những nguyên nhân được cho là do công nghệ, kỹ thuật mới Việt Nam chưa nắm bắt được, phụ thuộc quá nhiều vào nhà tài trợ và tư vấn nước ngoài...

Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), tất cả các dự án ĐSĐT đã được phê duyệt trên địa bàn Hà Nội và TP HCM đều chậm tiến độ từ 3 - 5 năm so với dự kiến, tổng mức đầu tư đều tăng từ 60-172% so với phê duyệt ban đầu.

Một trong những dự án nổi bật về sự tăng vốn và chậm tiến độ là tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Dự án được phê duyệt vào năm 2008 với tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng. Tuyến số 2 có chiều dài 11,5km, thời gian thực hiện từ 2009-2015. Tuy nhiên, dù chưa triển khai thực hiện thì dự kiến tổng mức đầu tư của dự án này sẽ tăng lên mức 51.750 tỷ đồng (tăng 164%). Đánh giá về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Nguyễn Hoằng cho biết, do biến động về cơ chế chính sách, kỹ thuật phức tạp và giải phóng mặt bằng chậm.

2_tuyen3336_470_bfdz.jpgTuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nhiều lần chậm tiến độ. (Ảnh: KT)
Không hoàn toàn đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và không đổ lỗi, việc chậm GPMB làm đẩy chi phí dự án. Chúng tôi cũng đã họp kiểm điểm và thấy rằng, khi nghiên cứu lập dự án còn quá sơ sài, chỉ là cái vỏ để ký kết. Toàn bộ khung tiêu chuẩn, chính sách pháp lý đến nay còn thiếu, chưa hoàn thiện, rồi lại phụ thuộc quá nhiều vào nhà tài trợ, tư vấn nước ngoài. Và, chủ quan thì do sự phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương chưa đồng bộ, ngành nào cũng giữ quan điểm của ngành đó mà không có sự phối hợp mang tính trách nhiệm”.

Ông Trần Đức Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ KH-ĐT thẳng thắn: “Lý do chủ yếu là do hiểu biết của chúng ta về loại hình này rất kém, toàn dựa vào tư vấn. Trong khi đó, tư vấn lại là của nhà tài trợ. Tôi cho rằng, việc thay đổi cơ chế, chính sách chỉ là một phần nhỏ, rồi cứ lấy lý do thay đổi công nghệ để tăng vốn, công nghệ gì mà thay đổi nhanh thế, mới 1-2 năm đã bảo lạc hậu”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lo ngại, với đà triển khai như hiện nay nếu không nỗ lực thì chắc chắn các dự án ĐSĐT sẽ còn kéo dài. Đáng nói, tất cả các dự án này đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong khi, 16 dự án đều có số vốn đầu tư rất lớn và đều là vốn đi vay của nước ngoài.

“Dù là vốn nào thì người dân vẫn phải nộp thuế để trả nợ. Bây giờ chúng ta chưa có để trả nợ thì đời con cháu chúng ta sẽ phải trả. Vì vậy, chúng ta phải quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả từng đồng vốn vay, đảm bảo tiền thuế của nhân dân được sử dụng có hiệu quả và phát huy mang lại giá trị, lơi ích kinh tế, xã hội là trách nhiệm của Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan cùng UBND TP Hà Nội và TP HCM”, nguời đứng đầu ngành giao thông bày tỏ.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu cần tập trung các giải pháp để khắc phục tồn tại, bất cập, đưa ra kế hoạch triển khai đối với các dự án.  Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới thực trạng này. Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập BCĐ chung về ĐSĐT do Bộ trưởng Bộ GTVT làm Trưởng ban, Phó ban là hai Thứ trưởng của Bộ và 2 Phó Chủ tịch của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thành lập tổ giúp việc do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng để giải quyết những vấn đề liên quan./.