Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2015 quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Theo Nghị định này, Nhà nước chỉ xác nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài (không phải là cấp phép) của nhà đầu tư thông qua việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (thay thế cho giấy phép đầu tư đã từng được sử dụng và giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đang sử dụng).
Nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài.(ảnh minh họa: KT) |
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá Nghị định 83 thể hiện rõ tinh thần của Luật Đầu tư 2014 là tôn trọng quyền tự do đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư.
Cũng theo Nghị định này, Nhà nước quy định rõ một số ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; quy định rõ hơn về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để nhà đầu tư lựa chọn ngành nghề đầu tư phù hợp với khả năng của mình.
Về điều kiện để quyết định đầu tư, Nghị định nêu rõ, 5 dự án đầu tư sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư: 1- Dự án năng lượng; 2- Dự án nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản; 3- Dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; 4- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; 5- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng.
Với các loại dự án trên, tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư gồm một trong các loại sau: Giấy phép đầu tư hoặc văn bản có giá trị tương đương của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư, trong đó có nội dung xác định địa điểm và quy mô sử dụng đất; Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán hoặc hợp đồng giao đất, cho thuê đất; hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh, trong đó xác định rõ địa điểm, quy mô sử dụng đất; Thỏa thuận nguyên tắc về việc giao đất, cho thuê đất, thuê địa điểm kinh doanh, thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
Một điểm đáng chú ý nữa trong Nghị định 83 là quy định rõ các nguyên tắc việc chuyển vốn (gồm ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị) ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhằm tạo cơ sở triển khai thực hiện cho tất cả các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Đó là nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm: Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; nghiên cứu tài liệu; tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư...
Việc chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng liên quan tới ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ.
Hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 USD, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Nghị định 83 còn quy định, nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (25/9/2015) và thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài./.