Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của cả nước giảm 0,06% so với tháng trước. Như vậy, với mức CPI tháng 5 âm, nếu so với tháng 12/2012, CPI cả nước đến tháng 5 mới tăng 2,35%. Trong bối cảnh GDP tăng thấp, chỉ số giá tiêu dùng lại liên tục giảm, liệu có phải là dấu hiệu nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy giảm?
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê về vấn đề này:
** Bà có đánh giá thế nào về việc chỉ số CPI tháng 5 này?
- CPI cả nước tháng 5 giảm 0,06 so với tháng 4 và tăng 2,35% so với tháng 12/2012 và tăng 6,36% so với cùng kỳ. Bình quân 5 tháng chỉ số giá tăng 6,74%, có thể thấy xét có sự đảo chiều so với tháng trước.
** Theo bà, nguyên nhân của việc chỉ số giá tiêu dùng giảm thời gian qua và trong tháng 5 này là do đâu?
- Nguyên nhân sụt giảm do 4 nhóm hàng: ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở vật liệu xây dựng, giao thông và bưu chính viễn thông. Trong các nhóm giảm này hàng ăn và dịch vụ ăn uống đóng vai trò quan trọng nhất vì chiếm quyền số 40% trong CPI. Nguồn cung lương thực thực phẩm hiện nay là dồi dào và ổn định. Một số mặt hàng theo lộ trình tăng giá đang giãn ra nên không tăng giá dồn dập. Nguyên nhân nữa là do thắt chặt tiền tệ hạn chế lạm phát cũng góp phần lớn lớn làm giảm giá. Hiện doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng tồn kho cao nên phải hạ giá bán. Cầu tiêu dùng, cầu sản xuất giảm nên làm cho CPI không thể tăng cao.
** Mới đây tại kỳ họp Quốc hội thì Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định GDP tăng thấp, nay lại thêm CPI tháng 5 giảm ở hầu hết các mặt hàng. Vậy CPI giảm liệu có phải là mối lo ngại về suy giảm kinh tế?
- CPI có tháng tăng, có tháng giảm chứ chưa có hiện tượng giảm liên tục. Tình hình cuối tháng 5 và đầu tháng 6 khả năng giá ổn định. Nhưng khoảng tháng 7 và 9 hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có điều chỉnh dịch vụ y tế, tác động CPI chung làm tăng CPI. Nên nói CPI giảm liên tục và có dấu hiệu suy giảm là chưa hẳn. Mặc dù kinh tế gặp khó khăn nhưng GDP vẫn tăng khá, lạm phát vẫn giữ ổn định. Cho nên cũng chưa thể nói là phải lo ngại.
** Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Quốc hội cho rằng cần phải rất thận trọng trong việc ban hành các loại phí và điều chỉnh giá các mặt hàng có tác động lớn đến CPI như đã kể trên. Vậy với vai trò là cơ quan quản lý, bà có quan điểm như thế nào?
- Đã có bài học trong quản lý giá, như có thời kỳ, trong 1 tháng tăng 3 lần giá xăng dầu, hệ quả tăng giá hàng hóa và cước vận tải, nên tác động đến sản xuất. Nếu tăng giá điện và xăng dầu cùng 1 tháng thì sẽ ảnh ưởng đến CPI. Bài học gần đây nhất, tháng 5 và 6/2012 giá giảm. Đến tháng 9/2012, một số mặt hàng dịch vụ giáo dục và y tế dồn dập tăng giá khiến CPI tăng vọt lên 2,2%. Bài học thận trọng điều chỉnh giá và thận trọng mức độ tăng giá là không bao giờ thừa./.
** Xin cảm ơn bà!/.