Tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục âm tháng thứ 3 liên tiếp (giảm 0,06% so tháng trước). Nếu như năm 2012, phải đến tháng thứ 8, CPI mới âm liên tục 3 tháng thì năm nay, tình trạng này xảy ra ngay những tháng đầu năm.
CPI tăng thấp do giá lương thực giảm
Nhiều người lo ngại tình trạng thiểu phát sẽ xảy ra. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Có 2 yếu tố để nói về việc nền kinh tế đang ở trong tình trạng thiểu phát là CPI đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, thị trường tài chính tiền tệ đang rất trì trệ. Đánh giá thiểu phát thì phải có tiêu chí vì CPI giảm thì phải xem nguyên nhân chủ yếu từ đâu. Ở đây, CPI giảm phần lớn do giá lương thực thực phẩm giảm. Giá lương thực thực phẩm giảm thì ảnh hưởng đến người dân, Chính phủ không muốn việc đó và cũng đã có chính sách để hỗ trợ. Quan trọng là xu hướng của nền kinh tế. Hiện nay, các chỉ số sản xuất công nghiệp đã có khá lên. Hai nữa, lượng tồn kho dù vẫn còn cao nhưng rõ ràng đã giảm. Thứ ba, tăng trưởng tín dụng tuy là chậm nhưng so với năm ngoái tốc độ vẫn khá hơn.
“Đánh giá trên những tiêu chí như thế thì chúng ta chưa phải quá lo lắng về chuyện giảm phát. Đúng là nền kinh tế còn đang hết sức khó khăn, doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Điều đó không ai phủ nhận” - Phó Thủ tướng nói.
Cùng về nội dung này, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết: CPI tháng này tăng thấp không ngoài dự kiến của nhiều chuyên gia. Bởi tổng cầu của nền kinh tế thấp, cầu đầu tư thấp, cầu tiêu dùng thấp. Chỉ số bán lẻ từ đầu năm đến nay cho thấy, tiêu dùng thấp; cầu đầu tư: nhìn thấy rất rõ tín dụng tăng rất thấp, giải ngân vốn ngân sách thấp. Các yếu tố đó hội tụ dẫn đến kết quả CPI tăng thấp, phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế.
Dự báo về CPI những tháng tới đây, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, vẫn tiếp tục diễn biến ở mức thấp, không tăng cao. Bởi tháng tới đây cũng chưa có yếu tố làm tăng cầu một cách mạnh mẽ dù có được cải thiện.
Một luồng ý kiến khác dự báo CPI các tháng tới diễn biến tăng thấp là do giá hàng hóa trên thế giới năm nay vẫn được dự báo là thấp nên không có tác động ảnh hưởng của giá thế giới vào Việt Nam. Cùng với đó, ta duy trì tỷ giá ổn định. Giá xăng dầu gần đây có dấu hiệu chững lại.
Ngoài ra, hiện thấy rất rõ nhu cầu điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản, nhưng điều chỉnh ở mức nào thì hoàn toàn do ý muốn chủ quan của chúng ta. Nếu điều chỉnh thì sẽ ảnh hưởng CPI. Tuy nhiên, nhìn yếu tố cơ bản thì lạm phát vẫn thấp.
Tăng tổng cầu để tăng trưởng kinh tế
Một số ý kiến cho rằng, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, nền kinh tế trong hai Nghị quyết số 01 và 02 còn chậm. Ngoài ra, cũng phải xem xét để huy động thêm nguồn lực, để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, những hoạt động này gọi là nới lỏng thì không chính xác và chúng ta chưa dùng biện pháp đó. “Nhưng phải tạo điều kiện để nâng tổng cầu của nền kinh tế” – ông Vũ Văn Ninh nói.
Ông Vũ Viết Ngoạn đồng tình với khuyến nghị của Ủy ban kinh tế Quốc hội từ nay tới cuối năm là mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội đã thông qua dưới 8%, và mục tiêu điều hành Chính phủ đưa ra 6-6,5%. “Chúng ta cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ DN, thúc đẩy mạnh sản xuất” – ông Ngoạn nói.
Về giải pháp để tăng tổng cầu nền kinh tế, theo ông Vũ Viết Ngoạn, yếu tố hết sức quan trọng là làm thế nào tăng đầu tư lên, muốn tăng đầu tư thì đây là bài toán khó đối với Chính phủ vì dư địa chính sách của chúng ta rất hẹp, nợ công khống chế trần, cân đối ngân sách khó khăn… Chúng ta không có nhiều dư địa hay nói cách khác là không có nguồn tiền để tăng đầu tư của nhà nước. Thêm nữa, tín dụng đang ở mức tăng trưởng rất thấp nên ảnh hưởng toàn bộ tổng vốn đầu tư của xã hội.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để duy trì tổng vốn đầu tư của xã hội năm nay ở mức 30% GDP. Song song với đó là phải giải quyết tăng GDP đạt 5,5%. Muốn đạt mức tăng trưởng này thì phải huy động nguồn lực đầu tư đạt 30% GDP, trong khi từ nay đến cuối năm thời gian rất ngắn.
Trong tình hình hiện nay, theo ông Ngoạn, chính sách tín dụng phải có bước đột phá hơn nữa. “Tôi đánh giá cao việc ngân hàng giảm lãi suất nhưng cũng cần tiếp tục giảm hơn nữa, khuyến khích DN tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư” – ông Ngoạn nói.
Cũng theo ông Ngoạn, hiện nay không ít DN cho vay lãi suất 0% thì cũng không vay bởi không sản xuất, không tiêu thụ được sản phẩm thì vay vốn làm gì? Trong khi đó, dư nợ tín dụng là gần 3 triệu tỷ đồng thì việc giảm lãi suất sẽ giảm bớt khó khăn cho hàng trăm nghìn DN đang vay vốn ngân hàng. Thêm nữa, nếu giảm lãi suất thì cũng có dự án đang vay lãi suất cao không hiệu quả thì nay dự án đó lại có hiệu quả. “Chính sách tín dụng, lãi suất là công cụ để kích cầu tín dụng. Việc giảm là có ý nghĩa” – ông Ngoạn nói./.