Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết đã chỉ đạo đại diện vốn tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC.

Theo đó, chủ đầu tư đã hoàn thành xong dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên liên quan đến Tổng thầu Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC).

gang_thep_gagc.jpg
Dự án gang thép Thái Nguyên bị bỏ hoang. 

Cụ thể có 3 phương án được đưa ra, đó là: Tiếp tục hợp đồng với MCC; thanh lý hợp đồng với MCC và khởi kiện trên cơ sở tham vấn các ý kiến của Bộ Tư pháp và tư vấn luật để đảm bảo điều kiện pháp lý. Vnsteel cho biết, trong thời gian qua, TISCO thường xuyên cập nhật thông tin trao đổi với Tập đoàn MCC (thông qua đại diện là BERIS), duy trì liên lạc giải quyết công việc với Ban hạng mục MCC PID.

Ngày 1/2/2018, Ban hạng mục MCC PID đã làm việc với các nhà thầu phụ Việt Nam và Ban quản lý dự án giai đoạn 2 của TISCO thống nhất phương án phối hợp tăng cường công tác bảo vệ bảo quản vật tư thiết bị dự án. Theo kế hoạch thì nhiệm vụ này phải hoàn thành trong quý I/2018. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện phương án đàm phán có hiệu quả, giải quyết được triển để các tồn tại vướng mắc đối với MCC thì Tổng công ty phải thực hiện thoái vốn xong theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trước đó, để giải quyết vướng mắc giữa TISCO với Tổng thầu MCC và 14 nhà thầu phụ Việt Nam, từ ngày 24/7/2017 đến ngày 9/8/2017, Đoàn công tác của MCC đã làm việc tại TISCO. Tại cuộc làm việc, MCC bày tỏ mong muốn tiếp tục được thực hiện hoàn thành toàn bộ các công việc còn lại của Dự án theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói.

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương mà Bộ Chính trị chỉ đạo phải khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm. Đại dự án này được phê duyệt năm 2005, khởi công rầm rộ vào năm 2007, do nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, tháng 7/2007, TISCO và nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế - E; cung cấp thiết bị - P; xây dựng và lắp đặt - C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỷ đồng); thời gian thực hiện 30 tháng. Do gặp vướng mắc trong quá trình thi công, giá cả vật tư tăng cao nên tháng 3/2009, MCC đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Vinaincon thực hiện.

Đến đầu năm 2011, do năng lực của Vinaincon hạn chế, không bảo đảm tiến độ nên Bộ Công Thương cho phép TISCO và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục gặp vướng mắc về tài chính và ngưng trệ đến nay./.