Việc triển khai và thực hiện các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại ĐBSCL còn chậm. Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị do Tổng cục thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 23/9.

Theo báo cáo của Tổng cục thủy sản, hiện nay diện tích sản xuất tôm nước lợ ở ĐBSCL hơn 667.000 ha, chiếm 94% cả nước, trong đó tôm sú hơn 596.000 ha, tôm thẻ chân trắng hơn 71.000 ha, tổng sản lượng tôm hơn 455.000 tấn.

Thực hiện quy định về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực đến nay, các địa phương đã tập trung cấp mã số các hộ dân, cơ sở nuôi cá tra và tôm nước lợ. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký vẫn còn chậm, nguyên nhân được xác định do người nuôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không chính chủ và số còn lại thì không có hợp đồng thuê đất dài hạn.

Ngoài ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản phần lớn là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hàng năm, đất ven sông nên chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Thủy sản, vì vậy người dân gặp khó khăn khi thiết lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT để có kế hoạch lập bản đồ điện tử tất cả mã số cơ sở để việc quản lý thuận lợi, các đối tác nhập khẩu có thể truy xuất được hàng hóa bằng thao tác trên máy tính, đảm bảo tính minh bạch, tin tưởng các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, từ đó nâng cao thương hiệu của thủy sản Việt Nam. 

"Trong luật đã quy định địa phương có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn và giúp cho  người dân và doanh nghiệp các quy định, các nội dung cần phải tuân thủ và chuẩn bị được tài liệu để đăng ký cấp mã số, từ đó các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản ở địa phương có trách nhiệm cấp mã số và quản lý mã số đấy cùng người dân và doanh nghiệp ở địa phương. Đây là một trong những căn cứ giúp cho kết nối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp có đủ căn cứ để hồ sơ chúng ta liên thông từ cơ sở nuôi, đến nhà máy và xuất khẩu sang thị trường quốc tế, ta truy xuất được nguồn gốc" - ông Trần Đình Luân nêu rõ.

Vấn đề cấp mã số vùng nuôi là mối quan tâm lớn đối với các đối tác nhập khẩu, đây là một trong những tiêu chuẩn mà các đối tác có thể mua hay không mua sản phẩm hiện nay.

Theo Tổng cục thủy sản, từ khi hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực đã có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở từ 0-22% được giảm về 0%, trong đó các sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh được giảm từ mức đang áp dụng là 4,2% về 0%. Hiệp định là cơ hội tốt để đưa hàng hóa vào thị trường tiềm năng với hơn 500 triệu dân, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản của Việt Nam./.