Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố 6 đơn vị đủ điều kiện vào danh sách ngắn theo quy trình 3 bước nêu trong Quy chế thực hiện tài trợ (GIM) được ký kết giữa hai bên.

Trong đó 2 đơn vị đủ điều kiện được nhận tài trợ là CEP và TYM với số tiền tương ứng là 110.000 USD và 147.498 USD

4 hồ sơ sẽ được phê duyệt có điều kiện là M7: nộp Báo cáo kiểm toán 2009; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa: nộp hồ sơ xin cấp phép chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô (TCVM) chính thức lên NHNN; MOM và SEDA: nộp kế hoạch chuyển đổi cụ thể, có cơ cấu chủ sở hữu và tư cách pháp nhân rõ ràng.

Theo tiến sĩ Aris Alip, chuyên gia tư vấn ADB và nhóm tư vấn dự án SMF, tỷ lệ dư nợ vốn rủi ro mà các tổ chức TCVM Việt Nam báo cáo vẫn thuộc một trong số những tỷ lệ thấp nhất tại châu Á. Điều đó cho thấy kỷ luật tín dụng đối với khách hàng và cán bộ được thực hiện chặt chẽ.

Trong số các tổ chức TCVM được khảo sát, CEP có số lượng khách hàng lớn nhất với trên 146.000 khách hàng, tiếp theo là Quỹ Hợp tác TP Hồ Chí Minh (trên 44.000) và TYM (trên 40.000). Số lượng khách hàng trung bình trên một cán bộ tín dụng vào khoảng từ 10 đến 2.606 khách hàng, cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế.

Các sản phẩm vốn vay của các tổ chức TCVM gồm 2 sản phẩm vốn vay chung và vốn khẩn cấp. Thời hạn vốn vay từ 3 đến 24 tháng, hoàn trả hàng tuần hoặc hàng tháng vào ngày họp nhóm, cụm định kỳ; mức vốn vay từ 500 ngàn đến 30 triệu VND. Tuy nhiên, trung bình mức vốn vay khoảng 3 triệu VND, lãi suất từ 1% đến 1,5%/ tháng.

Bên cạnh đó, các tổ chức TCVM còn triển khai các sản phẩm tiết kiệm, bao gồm tiết kiệm bắt buộc và tiết kiệm tự nguyện. Loại hình tiết kiệm bắt buộc từ 5.000 đến 10.000 VND hàng tuần hoặc hàng tháng với mức lãi suất từ 0,25% đến 0,6% mỗi tháng; một số tổ chức TCVM trừ 5% vốn vay như là khoản tiết kiệm bắt buộc; các khách hàng không đuợc rút khoản tiền tiết kiệm này trừ khi tổ chức TCVM cho phép hoặc đã trả hết khoản vốn vay.

Một số tổ chức TCVM khuyến khích thêm hình thức tiết kiệm tự nguyện, tuy nhiên còn rất hạn chế do phải trả mức lãi suất huy động giống với ngân hàng.

Theo các chuyên gia ADB, việc huy động tiết kiệm linh hoạt rất quan trọng với các tổ chức TCVM, đây là cách các tổ chức TCVM quốc tế đang áp dụng nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền tiết kiệm.

Hỗ trợ kỹ thuật “Chính thức hóa các tổ chức TCVM” có trị giá khoảng 1,65 triệu USD trong đó ADB tài trợ 1,5 triệu USD trên cơ sở viện trợ không hoàn lại từ nguồn Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản (JFPR) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 150 ngàn USD đã được ký kết và triển khai.

Một trong những mục tiêu chính của Dự án là thông qua Quỹ vốn đối ứng bổ sung (SMF) của Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản để hỗ trợ chuyển đổi thí điểm 5 tổ chức TCVM thành tổ chức TCVM chính thức, hoạt động theo sự điều chỉnh của Nghị định 28 và Nghị định 165./.