Giá xăng xuống, doanh nghiệp vận tải chây ì không giảm giá cước, dư luận lên tiếng, Bộ GTVT và Bộ Tài chính tiếp tục ra các văn bản đề nghị, lập đoàn thanh tra kiểm tra giá cước đối với các doanh nghiệp vận tải… Tất cả điều này, đều lặp đi lặp lại khi giá xăng tăng rồi giảm xuống. Việc quản lý giá theo kiểu chạy theo một cách bị động cần phải thay đổi.

Chu trình lặp lại…

Trong 2 tháng gần đây (tính từ ngày 4/7 tới nay), giá xăng dầu đã giảm 5 lần, cụ thể giá xăng A92 giảm 3.380 đồng/lít và giá dầu diesel giảm 2.760 đồng/lít. Với mức giá xăng dầu đã giảm khoảng hơn 16%, trong khi các yếu tố khác cấu thành giá không tăng như khấu hao, tiền lương… thì cước vận tải có cơ sở giảm từ 4 % đến gần 6% tùy loại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải đều “cố thủ” chờ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc mới có những dấu hiệu giảm giá cước. Liên Bộ GTVT và Bộ Tài chính tiếp tục lên tiếng và lập những đoàn kiểm tra, kiểm tra giá cước vận tải tại các doanh nghiệp. Trước khi có những kết quả kiểm tra thì giá cước vận tải vẫn ở mức cao và người tiêu dùng vẫn bị “móc túi” hàng ngày.

Anh Nguyễn Văn Vương ở Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nói: “Tôi thấy giá xăng, dầu giảm mà tôi đi xe taxi giá vẫn giữ nguyên. Việc giá xăng dầu tăng giảm liên tục trong thời gian qua các doanh vận tải lợi dụng vào đó vẫn tăng giá, giữ giá người chịu thiệt hại vẫn là người đi xe như chúng tôi.”

lala_wdqg.jpg
Qua nhiều lần giảm giá xăng, cơ quan quản lý vẫn tiếp tục chạy theo giá cước vận tải.
Nếu theo dõi những biến động của giá cước vận tải cùng tăng giảm của giá xăng sẽ thấy chu trình này được lặp lại giống như những tháng cuối năm 2014 đầu 2015. Khi đó, giá xăng đã giảm gần 39% và giá dầu giảm hơn 33% (13 lần giảm giá) và các doanh nghiệp vận tải cũng chây ì giảm giá cước.

Giải pháp của Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng là lập đoàn kiểm tra, đi kiểm tra doanh nghiệp vận tải tại 5 địa phương. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra khá “khiêm tốn”, chỉ phát hiện 9 doanh nghiệp giảm giá còn ít và cần giảm tiếp, một đơn vị bị lập biên bản vi phạm hành chính kê khai giá cước không hợp lý, đề nghị xử phạt. Qua nhiều lần giảm giá xăng, cơ quan quản lý vẫn tiếp tục chạy theo giá cước vận tải, vẫn chưa thấy những điểm mới trong cách quản lý giá cước, vận hành thị trường vận tải một cách linh động.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản nhắc nhở gửi các doanh nghiệp vận tải tính toán điều chỉnh giá cước hợp lý khi giá xăng giảm. Quản lý giá cước vận tải thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính. Ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, cần có một cơ sở cho doanh nghiệp chủ động về việc điều chỉnh giá cước trong biến động liên tục của giá nhiên liệu như hiện nay.

“Nên có quy định mức giá trần và giá sàn trong cước vận tải, khi đó nhiên liệu tăng và giảm ở mức bao nhiêu thì doanh nghiệp vận tải được phép điều chỉnh giá cước. Khi đã có ngưỡng như thế doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh vì nguyên liệu lên xuống rất thất thường. Nếu nhiên liệu giảm xuống 200 đồng hay 500 đồng thì doanh nghiệp chưa phải điều chỉnh, khi giá xuống 5.000 đồng hay 3.000 đồng thì các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Bộ Tài chính phải ra được quy định cụ thể như thế mới giải quyết được quản lý giá cước”, ông Linh đưa ra quan điểm.

Cần một luật chơi chung

Trước việc tổ chức các đoàn kiểm tra giá cước vận tải của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, Tiến sỹ Phạm Sanh phân tích: Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra doanh nghiệp thì chỉ tác động được vào phần thuế. Nếu doanh nghiệp không giảm giá cước vận tải trong khi giá xăng giảm nhiều lần, thì sẽ có doanh thu cao hơn và phải đóng thuế bổ sung phần lợi nhuận thu được kia. Giá cước vận tải bao nhiêu là quyền tự chủ của doanh nghiệp và không vi phạm quy định.

Vì thế, các đoàn thanh tra về giá cước vận tải sẽ không có nhiều hiệu quả. Để quản lý giá cước vận tải thì mấu chốt phải là tầm hoạch định chính sách vĩ mô, đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào thành những mặt hàng kinh doanh có điều kiện có sự quản lý giá trực tiếp của Nhà nước.

Cùng với quan điểm của Tiến sỹ Phạm Sanh, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chúng ta chưa tạo ra một “sân chơi” thật sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp.. Hà Nội có hơn 120 hãng taxi vẫn không có sự cạnh tranh giảm giá khi giá nguyên liệu giảm.

“Nguyên tắc là tạo áp lực cạnh tranh, có thể trên thế giới chỉ 5 hãng ô tô cạnh tranh vẫn khốc liệt, tại sao Hà Nội 120 hãng xe taxi mà vẫn không cạnh tranh, chưa đủ cạnh tranh giá xăng giảm không giảm vì thế, vấn đề ở đâu? Chúng ta phải tạo áp lực cạnh tranh, để tạo ra áp lực cạnh tranh là phải có những chuẩn mực tối thiểu và dựa trên những phản ứng của thị trường”, ông Võ Trí Thành nêu rõ.

Hiện giá cước taxi ở Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực. Cước taxi ở Hà Nội cao hơn các thành phố khác trong khu vực từ 26,4% đến 60% và TP HCM cao hơn tới 66,7% đến 78,2%. Người tiêu dùng vẫn đang chịu mức giá đắt đỏ, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước vẫn “chạy theo” giá cước một cách bị động, không có những biện pháp quản lý giá cước linh động với những biến động của thị trường./.