Giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã có 5 lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm gần 3.400 đồng/lít. Theo tính toán, chi phí xăng dầu chiếm tới khoảng 35%-40% giá thành cước vận tải, trong khi giá xăng dầu đã giảm khoảng 16,3% nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang chần chừ giảm giá cước hoặc giảm nhỏ giọt khiến người dân bức xúc.
Doanh nghiệp vận tải viện hàng loạt lý do…
Theo đại diện các Hiệp hội vận tải, mặc dù giá xăng dầu thời gian qua đã có giảm nhưng vẫn chỉ là mức giảm vẫn nhỏ giọt, chưa đủ biên độ cũng như không thể tác động vào yếu tố cấu thành giá thành vận tải để giảm giá cước. Theo đó, chỉ khi giá xăng dầu phải giảm mạnh và ổn định trong thời gian dài, các doanh nghiệp vận tải mới rà soát các yếu tố đầu vào để xây dựng giá cước vận tải hợp lý với tỷ lệ giảm của giá xăng dầu.
Mặt khác, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp vận tải, mặc dù giá xăng có giảm, tuy nhiên chỉ là một trong trong tổng số 14 yếu tố cấu thành giá cước vận tải. Đặc biệt, giá xăng giảm nhưng mức phí qua các trạm thu phí BOT lại tăng, số trạm thu phí cũng nhiều thêm nên doanh nghiệp chưa thể giảm cước.
Doanh nghiệp vận tải viện dẫn nhiều lý do để chậm giả giá cước vận tải theo giá xăng dầu. (Ảnh minh họa: KT) |
Đối với các doanh nghiệp vận tải taxi chủ yếu có xe hoạt động bằng nhiên liệu xăng lại cho rằng, dù giá xăng có giảm nhưng tỷ giá và lãi suất ngân hàng lại được điều chỉnh tăng, chi phí đầu tư xe, vật tư thiết bị… từ đó tăng theo khiến việc giảm giá cước là điều phải cân nhắc.
Hơn nữa, với số lượng xe lớn như các hãng taxi, mỗi lần điều chỉnh giá, thời gian để hoàn thành các thủ tục xin phép, kiểm định, cài đặt hệ thống đồng hồ ít nhất cũng mất từ 10-12 ngày. Do đó, không nói đến việc xăng giảm giá, kể cả khi giá xăng tăng doanh nghiệp cũng phải cân nhắc. không thể tăng ngay giá cước theo giá xăng.
Trước tình hình giảm giá cước vận tải diễn biến chậm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải có văn bản gửi các Sở GTVT địa phương yêu cầu hối thúc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Bộ GTVT nhấn mạnh việc điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu là góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã lên tiếng đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành… yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá cước, đồng thời nêu cả hướng chế tài xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp chây ì, không chịu giảm giá. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp vận tải vẫn “làm ngơ” với việc điều chỉnh giá cước.
Kiểm tra giá cước vận tải trong cả nước
Bất bình với tình trạng chây ỳ giảm giá cước vận tải, ngày 7/9 vừa qua, đích danh Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký ban hành Quyết định số 3210/QĐ-BGTVT yêu cầu kiểm tra đối với công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải hoàn thành trước ngày 20/10/2015.
Giảm giá xăng dầu: Các doanh nghiệp vận tải rục rịch điều chỉnh cước
Đoàn kiểm tra tại khu vực miền Trung do lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm Trưởng đoàn, kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô khu vực miền Trung. Đoàn kiểm tra tại khu vực miền Nam do lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT làm Trưởng đoàn, kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô khu vực miền Nam.
Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành công tác quản lý giá cước trong thời gian qua: Công tác chỉ đạo và thanh tra, kiếm tra, kết quả xử lý vi phạm về giá cước vận tải trong 8 tháng đầu năm 2015; Công tác rà soát kê khai và niêm yết giá cước của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn; Tổng hợp tình hình kê khai, niêm yết giá cước của các doanh nghiệp vận tải khi giá nhiên liệu tăng, giảm (từ tháng 1/2015 đến nay).
Đoàn kiểm tra cũng sẽ yêu cầu Sở GTVT thống kê rõ danh sách doanh nghiệp đã kê khai giảm, tỷ lệ giảm giá cước, danh sách những doanh nghiệp chưa giảm giá cước theo từng thời gian báo cáo; Những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý giá cước và kiến nghị, đề xuất.
Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải báo cáo tình hình thực hiện giả cước vận tải trong 8 tháng đầu năm 2015; Kê khai và niêm yết giá cước của doanh nghiệp (kiểm tra kê khai các yếu tố cấu thành giá cước vận tải của doanh nghiệp); Việc thực hiện giá cước khi giá nhiên liệu giảm; Vé và công tác phát hành vé (đối với vận tải hành khách tuyến cố định); Công tác phối hợp giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải trong quản lý vé; Công tác bán vé, niêm yết giá cước tại bến.
Đối với lĩnh vực hàng không, các đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra việc kê khai và niêm yết giá dịch vụ vận chuyển của doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2015; việc thực hiện giá dịch vụ vận chuyển khi giá nhiên liệu giảm; vé và công tác phát hành vé của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đoàn kiểm tra cũng sẽ kiểm tra tình hình thực hiện giá do Nhà nước định giá, khung giá và giá đơn vị quy định và kê khai, các chính sách đối với hãng hàng không trong 8 tháng đầu năm 2015./.