Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp.

co_phan_hoa_dnnn_anh_1_btdr.jpg
 Ảnh minh họa: KT

Trong đó, 6 doanh nghiệp độc lập nằm trong danh sách 137 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa theo Quyết định số 58; 12 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (theo Đề án riêng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); 2 doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Bộ Xây dựng); 2 đơn vị sự nghiệp (Bắc Giang, Quảng Ninh).Ban Chỉ đạo cũng cho biết, 6 tháng qua, đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp (trong đó có 14 doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách 137 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-CP, ngày 28/12/2016; 27 doanh nghiệp còn lại thuộc Bộ Quốc phòng và là đơn cị thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước).

Trong số các doanh nghiệp nêu trên, có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, như: 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định khoảng 72.000 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giá trị cốn nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng.Trong 6 tháng, cũng đang tiến hành xác định giá trị của 64 doanh nghiệp (trong đó có 20 doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách 137 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-CP, ngày 28/12/2016).

Nửa đầu năm nay cũng giải thể 1 doanh nghiệp nhà nước (trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam).

Vẫn vướng cả ở cơ chế, chính sách

Đánh giá về kết quả cổ phần hóa DNNN, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho rằng, còn nhiều tồn tại. Trong đó, việc giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC còn chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch.

Hơn nữa, quá trình cổ phần hóa còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản, đất đai. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng.

Chỉ cụ thể nguyên nhân của hạn chế trên, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho biết, do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (TP. Hồ Chí Minh chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp). Việc xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ và chậm.

Ban Chỉ đạo còn đánh giá: Dư luận, báo chí có những ý kiến tiêu cực về công tác cổ phần hóa, gây tâm lý bất an làm ảnh hưởng đến quyết tâm, nỗ lực cổ phần hóa và cũng là lý do để những cá nhân không muốn cổ phần hóa doanh nghiệp, trì hoãn công việc hoặc đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.Một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, khó khăn nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm 2017 và trong giai đoạn tới là bắt đầu tiến hành cổ phần hóa những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi đó thời gian quy định từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho tới thời điểm IPO là 18 tháng (trường hợp đặc biệt được Thủ tướng chính phủ kéo dài, thì cũng chỉ được tối đa là 24 tháng).

Do các doanh nghiệp này quy mô lớn, phạm vi và hoạt động rộng, ngành nghề kinh doanh đặc thù cao, phải thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp bởi Kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Do đó, trên thực tế, thời gian còn lại để tìm kiếm cổ đông chiến lược khi xây dựng phương án cổ phần hóa chỉ còn từ 6-9 tháng, làm hạn chế rất lớn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có cơ hội tìm hiểu, đánh giá, đàm phán việc mua cổ phần.

Ngoài ra, còn do việc tổ chức thực hiện còn chưa quyết liệt, tâm lý thận trọng, an toàn, không sáng tạo, việc đôn đốc, giám sát, kiểm tra tại các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thương xuyên, kịp thời./.