Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Giờ đây, Lý Sơn đã được sử dụng điện lưới Quốc gia, là cú huých để huyện đảo này đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thành công “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. 

Tầm quan trọng của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã được khẳng định từ thời nhà Nguyễn khi Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thực hiện Chỉ dụ, thường xuyên đi đo đạc hải trình, cắm mốc minh định chủ quyền, bảo vệ và quản lý các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lý Sơn nằm án ngữ một trong những con đường lớn nhất vươn ra biển Đông.

Suốt 17 năm qua, người dân Lý Sơn chỉ được sử dụng điện từ 4 - 5 tiếng mỗi ngày từ nguồn máy phát điện chạy dầu diezel. Để duy trì nguồn điện này, người dân phải trả hơn 10.000 đồng/kW điện và mỗi năm Chính phủ phải bù lỗ 80 tỷ đồng. Đây là 1 trong những “rào cản” khiến Lý Sơn khó kêu gọi thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

ls2_frvv.jpg
Điện lưới quốc gia góp phần nâng cao đời sống người dân Lý Sơn.
Hiện thực hóa “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Chính phủ đầu tư gần 700 tỷ đồng đưa điện lưới Quốc gia ra đảo. Sau gần 1 năm khẩn trương thi công, ngày 28/9, dòng điện Quốc gia phủ khắp đảo, thỏa lòng mong ước từ bao đời nay của hơn 22.000 dân huyện đảo.

Lý Sơn luôn được biết đến là “Vương quốc tỏi”. Tuy nhiên, sản vật này cũng chỉ giúp nông dân đủ sống chứ chưa thể làm giàu vì tưới tiêu bằng máy bơm chạy dầu chi phí cao. Ngư dân Lý Sơn còn được mệnh danh là những ngư phủ lão luyện của biển cả.

Thế nhưng, không có điện, dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu thuyền cho tới những ấp ủ về cơ sở dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản chỉ là dự định. Hải sản đánh bắt được phải mang vào Quảng Ngãi hoặc đi các địa phương khác tiêu thụ, đội chi phí lên nhiều lần.

Ngư dân Nguyễn Văn Tĩnh ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, bày tỏ, giờ có điện rồi sẽ lắp đặt 1 dàn đông lạnh ở tại huyện đảo Lý Sơn, sắm tàu lớn có máy lạnh luôn ở dưới tàu để giữ cá tươi đưa vào đất liền nhập cá thuận tiện hơn.

Để được sử dụng điện lưới Quốc gia, bình quân mỗi người trên Lý Sơn được Nhà nước đầu tư gần 30 triệu đồng. Có điện là tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của huyện đảo. 

Ông Trần Thành Đãi, chủ đầu tư khách sạn Center Lý Sơn cho biết, ngay sau khi có điện ông đã bỏ 20 tỷ đồng để xây dựng khách sạn 3 sao, quy mô hơn 30 phòng đầu tiên trên đảo Lý Sơn để đón đầu làn sóng đầu tư về với đất đảo.

“Không những doanh nghiệp của tôi mà mọi người dân trên đảo Lý Sơn này khi có điện là 1 nguồn ao ước động lực của họ từ xưa đến nay. Hôm nay có điện người ta sẽ mạnh dạn mở mang các ngành nghề về biển, nông nghiệp, du lịch. Và các doanh nghiệp muốn vào đảo Lý Sơn này để làm ăn thì người ta cũng thấy thuận lợi khi mà nguồn điện quốc gia kéo đến đảo Lý Sơn này. Chúng tôi mạnh dạn làm khách sạn hôm nay và trong tương lai chúng tôi sẽ mở thêm nhiều khách sạn nữa”, ông Đãi cho biết.

Những năm qua, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông trên đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, để phát triển Lý Sơn mạnh về kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, cần 1 tầm nhìn chiến lược. Bà Đinh Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Lý Sơn hiện nay đã có quy hoạch tổng thể về kinh tế xã hội và đang tiến hành quy hoạch về du lịch. Khi có điện, các nhà đầu tư sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào Lý Sơn. Từ sự đầu tư này sẽ phát triển 1 vùng đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng. Đây là 1 việc Quảng Ngãi cũng đã sẵn sàng và cũng đã chuẩn bị.

Đầu tháng 10 tới đây, tại Quảng Ngãi sẽ diễn ra Hội thảo quan trọng xây dựng cơ chế đặc thù phát triển Lý Sơn thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng. Đây là cơ hội để Lý Sơn vươn mình bứt phá./.