Trong khi năm 2013 tăng trưởng tín dụng được đặt ra là 12% nhưng ước tính chỉ đạt xấp xỉ 9%, nhiều ý kiến lo ngại liệu 14% của năm 2014 có phải là con số khó đạt được hay không?! Thế nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây có nằm ở con số mục tiêu cụ thể như thế hay không?

14% - không đơn thuần chỉ là mục tiêu cuối cùng đạt được. Con số tưởng chừng khô khan này liên quan đến hoạt động của cả nền kinh tế, của cả cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với nền kinh tế, đối với cộng đồng doanh nghiệp, đồng vốn hiệu quả nhất là đồng vốn được đưa vào hoạt động làm ra sản phẩm, tăng giá trị kinh tế, góp phần vào tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán nóng bỏng, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đã vọt lên và ở mức cao khiến các chuyên gia về tài chính ngân hàng đều phải lo ngại. Có ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng chính thức lên đến trên dưới 30%. Đây cũng chỉ là con số chính thức và đáng chú ý là phần lớn đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản với những giao dịch mua đi bán lại chứ không phải là đầu tư mới hay cổ phiếu mới phát hành ra thị trường. Có nghĩa là, những đồng vốn này rất ít được đưa vào đầu tư sản xuất làm ra sản phẩm phục vụ nền kinh tế. Và Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ đã phải chỉ đạo gắt gao để ép dần thị trường tín dụng đang nóng bỏng giảm nhiệt. Nhưng rồi mức tăng trưởng chính thức sau đó được đặt ra cũng tới 20%.

ngan-hang-2.jpg
Đưa được đồng vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả mới là điều quan trọng

Giờ đây, 14% tăng trưởng tín dụng đang đặt ra hy vọng cho nhiều người. Bởi nếu tăng trưởng tín dụng được hướng chủ yếu vào đầu tư sản xuất làm ra giá trị kinh tế thì chính là nền kinh tế phát triển, kéo theo tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Cho dù nguồn vốn của nền kinh tế không phải chỉ có từ duy nhất hệ thống ngân hàng, song đây chính là huyết mạch của nền kinh tế. Tăng trưởng bao nhiêu đi nữa mà đồng vốn không hoàn thành được sứ mạng này thì cũng không mang nhiều ý nghĩa tích cực.

Nhìn vào hoạt động lâu nay của các doanh nghiệp, thấy rằng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa - lực lượng doanh nghiệp chính của cả nước, luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng, trong khi ngân hàng cũng cho biết không thể nới lỏng do chính mình cũng là doanh nghiệp, cũng phải đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, bảo toàn vốn. Đây chính là mấu chốt của vấn đề lưu thông của dòng vốn. Có thời gian, vốn huy động của các ngân hàng tăng nhanh mà đầu ra (cho vay) lại khó và vốn tồn ứ trong chính ngân hàng trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Một số ngân hàng mang một phần tiền này đi gửi lại để hưởng lãi suất. Thế là đồng vốn dù có sự luân chuyển nhưng thực chất chỉ là nội bộ và không hề làm tăng giá trị cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

Chính vì thế, mức tăng trưởng tín dụng dù là con số nào đi nữa thì việc thật sự đưa được đồng vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả mới là điều quan trọng. Giải quyết được yêu cầu này phải có sự phối hợp linh hoạt của chính ngân hàng và doanh nghiệp, dưới chính sách điều hành vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước./.