Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014 cho thấy, tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2014 đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,96%; cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm,… Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện; các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu chậm được thực hiện,…
Giải pháp phát triển kinh tế xã hội cần được rà soát và thực hiện như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm? Đâu sẽ là động lực tạo sự bứt phá cho nền kinh tế trong thời gian tới?
Trao đổi với PV ĐTNVN, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, với những chỉ số kinh tế trong thời gian gần đây, nước ta có thể đạt chỉ tiêu cả năm một cách tương đối như ý.
TS Nguyễn Minh Phong |
PV: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về những dấu hiệu tích cực trong các tháng đầu năm của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới?
TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng ta có thể thấy rằng, trong bối cảnh năm 2014, kinh tế thế giới đang có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng cải thiện, và kinh tế Việt Nam cũng nằm trong số đó; song về tổng thể, kinh tế nước ta vẫn nằm trong vùng đáy. Nghĩa là đã có sự cải thiện từng bước, song về cơ bản thì vẫn chịu quán tính của những xu hướng chủ đạo năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách rà soát, chúng ta có thể thấy, trong vòng 4 tháng đầu năm, nền kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực khá rõ rệt. Điển hình là chúng ta có thể thấy chuyển biến rất tốt trên thị trường tài chính, tiền tệ; đồng thời chúng ta cũng duy trì được nội lực tăng trưởng kinh tế chung và có sự cải thiện về đầu tư xã hội. Điều này được thể hiện ở những chỉ số cụ thể như CPI – chỉ số lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua; GDP cùng kỳ cao nhất trong vòng 3 năm; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt. Đặc biệt chỉ trong 4 tháng đầu năm, chúng ta đã có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tỷ giá cũng được giữ ổn định, đồng thời khoảng cách của giá vàng trong nước và thế giới đã giảm xuống, thay vì 5-7 triệu trong năm ngoái thì hiện nay chỉ còn trên dưới 2 triệu.
Bên cạnh đó, kinh tế vẫn có sự tăng trưởng, trong bối cảnh đầu tư từ khu vực nhà nước giảm xuống và nhất là đầu tư từ ngân sách. Đầu tư xã hội ít hơn nhưng tăng trưởng nhanh hơn, cho thấy vốn được sử dụng tốt hơn, thay vì đầu tư mang tính chất đầu cơ như trước đây. Tuy nhiên, về cơ bản, nền kinh tế vẫn chưa có nhiều đột phá rõ ràng và ổn định, mặc dù chúng ta duy trì được nội lực cũng như nắm bắt được xu thế phát triển chung.
PV: Như vậy có thể nói là, mặc dù có dấu hiệu tích cực như ông vừa nói nhưng vẫn chưa có những điểm đột phá thể hiện rõ rệt. Tại phiên họp thứ 28 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo báo bổ sung, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2014 do bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày cho thấy, có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ giảm hộ nghèo. Ông có bình luận gì về những con số này?
TS. Nguyễn Minh Phong: Có thể thấy rằng đây là dấu hiệu tích cực cho thấy năm nay, chúng ta có thể đạt chỉ tiêu cả năm một cách tương đối như ý. Còn 2 chỉ tiêu không đạt thì có thể thấy rằng đây cũng là 2 chỉ tiêu năm ngoái không đạt. Rõ ràng trong bối cảnh mà nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó, dừng hoạt động hoặc phá sản; kinh tế cũng có nhiều tình huống cực đoan và áp lực về việc làm thì chỉ tiêu về an sinh xã hội quả thực là khó khăn.
Bên cạnh đó, bội chi ngân sách cũng là 1 áp lực mà áp lực đó đã kéo dài suốt cả 1 thập kỷ nay. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, áp lực này tăng rõ rệt do 2 nguyên nhân chính. Một là các nguồn thu ngân sách đang có xu hướng giảm đi, do các DN đang trong giai đoạn khó khăn, đồng thời Nhà nước cũng thực hiện các khoản giảm thuế cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các khoản chi lại tăng lên, chi cho nhiều vấn đề về phát triển, cho trả nợ và cho an sinh xã hội và các khoản chi khác.
Điều này đã khiến cho tỷ lệ bội chi ngân sách thay vì 4,9% đã phải điều chỉnh lên 13%, thậm chí vẫn khó đạt được. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng cũng có thể thấy trong 5 năm qua, toàn bộ khu vực châu Âu, kể cả Mỹ và Nhật thì rõ ràng thì đây là 2 chỉ tiêu chung. Hy vọng chúng ta sẽ nhận thức được điều này và có giải pháp ngăn chặn sớm để cuối năm chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.
PV: Thưa ông, đến thời điểm này, lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại, thậm chí trong 3 tháng đầu năm, lạm phát tăng rất là thấp, tháng 4 và 5 có nhích hơn, nhưng tình hình chung cho thấy sức mua vẫn rất yếu và hàng tồn kho còn khá cao. Vậy theo ông đâu là giải pháp để kích tổng cầu trong các tháng tới?
TS. Nguyễn Minh Phong: Có thể nói điểm nhấn của các giải pháp và cũng là bối cảnh của năm 2014 này là kích tổng cầu, chính vì thế kích cầu trong thời gian tới rất quan trọng. Chúng tôi cho rằng, kích cầu ở đây là phải kích cả 2 cầu là cầu tiêu dùng và cầu đầu tư sản xuất. Cầu của tiêu dùng khu vực dân cư cũng như cầu của doanh nghiệp, để từ đó tăng đầu tư vào sản xuất, từ đó tiêu thụ hàng, nguyên vật liệu cũng như tạo ra cầu tiêu dùng thích ứng.
Tuy nhiên cũng cần phải chú ý với một loạt các giải pháp mà đối với các sản phẩm thì phải chú ý tới giá bán cũng như cơ cấu sản phẩm. Về cơ cấu sản phẩm, phải chú ý là các sản phẩm đưa ra phải phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời có chất lượng cao. Giá cả cũng phải cạnh tranh so với hàng ngoại nhập, cũng như là so với nhu cầu và khả năng của người dân, tránh trường hợp chi phí cao dẫn đến khó giảm giá bán. Cho nên việc thực hiện giảm chi phí sản xuất để từ đó giảm giá bán là rất quan trọng, cộng với những khuyến mãi, kích thích khác từ các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý nâng cao khả năng thanh toán của thị trường, bao gồm khả năng thanh toán của người dân cũng như khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Vì thế những việc liên quan tới nâng cao khả năng thanh toán rất quan trọng, bao gồm tăng thu nhập cho người dân, đối với doanh nghiệp thì là khả năng khoanh nợ, giãn nợ; thực hiện việc tạm ứng vốn ngân sách, kể cả vốn đối ứng của năm 2015 để thực hiện những dự án đầu tư của thời gian tới, từ đó kích thích nhu cầu đầu tư cũng như tiêu dùng đầu tư. Còn đối với điều kiện thanh toán thì cần phải chú ý tới việc liên kết giữa các ngân hàng, các chủ cung ứng, các chủ nợ để đảm bảo để xử lý được các điều kiện tín dụng cũng như điều kiện thanh toán để từ đó những người mua, những người có nhu cầu tiêu dùng, đầu tư có điều kiện để tăng khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, việc xúc tiến thương mại mạnh mẽ hơn để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, từ đó khai thác các cầu tiêu dùng từ các thị trường bên ngoài cũng như các thị trường đang còn khuất, vùng sâu vùng xa cũng rất quan trọng. Trong toàn bộ quá trình này, việc tăng cường liên kết giữa 4 nhà cũng như phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cần thiết để tạo điều kiện gỡ các nút thắt, tạo điều kiện thực hiện những phản ứng chính sách, phản ứng thị trường là rất cần thiết.
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng 3 nút thắt cản trở VN trong quá trình tăng trưởng hiện nay vẫn là vấn đề thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong: Rõ ràng đây là 3 nút thắt đã được khẳng định trong nghị quyết của Đảng và trong các đề án tái cấu trúc tổng thể cũng như từng vấn đề một. Nếu xét lần lượt, chúng tôi cho rằng đột phá về thể chế là quan trọng nhất. Trong đó, đột phá cả nhận thức và thể chế chính trị, thể chế kinh tế là những nút thắt từ đó tạo ra những phản ứng lan tỏa, điều này cũng đã được khẳng định trong thông điệp đầu năm của thủ tướng chính phủ. Bên cạnh đó, những đột phá về mặt nhân lực, đặc biệt là nhân lực cao cần được coi trọng và đẩy mạnh hơn. Còn những đột phá về cấu trúc hạ tầng thì phụ thuộc vào vốn, quy hoạch, rà soát và những điều kiện vật chất khác.
Tuy nhiên, đột phá về thể chế, đặc biệt là về nhận thức, pháp lý cũng như về nhân lực chất lượng cao, trong đó có cơ cấu cán bộ, tuyển chọn, đãi ngộ người tài, thanh lọc cán bộ, cải tiến công tác cán bộ là những điểm tôi cho rằng có thể cải thiện ngay mà không phụ thuộc nhiều vào vấn đề nguồn vốn, nguồn lực./.