Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, sáng 7/9, Chủ tịch Quốc hội Myanmar Thura U Shwe Man đã làm việc với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (gọi tắt là AVIM) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar AVIM hiện có 76 thành viên, với nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn dầu khí, Vietnamairlines, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su… Cho đến nay, AVIM đã tổ chức 200 đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang nghiên cứu khảo sát đầu tư tại Myanmar.

Số vốn đăng ký đầu tư vào Myanmar của các doanh nghiệp Việt Nam đã lên tới 600 triệu USD. Một số dự án trọng điểm như Dự tán tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và văn hộ dịch vụ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn đăng ký khoảng 440 triệu USD hay dự án liên doanh thăm dò dầu khí ngoài khơi lô M2 của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí với tổng vốn hơn 145 triệu USD…

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV đồng thời là Chủ tịch AVIM cho biết, mục tiêu đến năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư vào Myanmar khoảng 1,5 tỷ USD vốn đăng ký, giải ngân khoảng 600 triệu USD. Ngoài hoạt động đầu tư, hiện có khoảng hơn 330 doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại với các doanh nghiệp Myanmar và con số này dự kiến sẽ tăng lên 800 đến 1.000 doanh nghiệp.

Riêng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ông Trần Bắc Hà cho biết, BIDV đang xúc tiến trình Chính phủ Myanmar để thành lập ngân hàng tại nước này với vốn dự kiến ban đầu là 150 triệu USD.  Tuy nhiên, đại diện AVIM cũng nêu ra một số hạn chế mà Myanmar phải khắc phục, như hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thuế còn cao so với các nước trong khu vực, cơ sở hạ tầng còn hạn chế; thị trường tài chính còn thiếu công cụ thanh toán quốc tế, hệ thống phân phối nội địa hạn chế…

Do đó, AVIM kiến nghị các cơ quan chức năng Myanmar sớm ban hành hiệp định chống đánh thuế hai lần, sớm có hướng dẫn cụ thể về Luật đầu tư mới; quân tâm hơn đến khuyến khích và ảo hộ đầu tư, xác nhận quyền sở hữu tài sản đầu tư tại Myanmar cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời phải có danh mục thu hút đầu tư mang tính dài hạn từ nay đến năm 2020, đặc biệt là cần sớm cho phép BIDV mở ngân hàng tại Myanmar thay vì dưới dạng văn phòng đại diện như hiện nay, để làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar./.