Chợ Ninh Hiệp, một ngôi chợ được biết đến là điểm bán buôn quần áo, vải vóc lớn nhất miền Bắc, mấy năm trước chỉ buôn bán vải vóc. Nhưng vài năm trở lại đây, mặt hàng quần áo được bày bán là chủ yếu, giá rẻ, mẫu mã phong phú nên đã thu hút lượng khách hàng rất lớn. Khắp mọi ngả đường, ngay từ con đường nhỏ rẽ vào chợ, các cửa hàng, ki ốt bày bán quần áo, vải vóc san sát nhau.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá bán buôn áo phông các loại từ 30.000 - 50.000đ/chiếc. Áo sơ mi dao dộng từ 60.000 - 90.000đ/chiếc. Các loại quần thì tùy vào chất liệu, kiểu dáng, có những chiếc quần chỉ 30.000 - 40.000đ/chiếc, quần jean khoảng 100.000đ/chiếc. Đặc biệt, tại chợ Ninh Hiệp, rất nhiều hàng hoá gắn mác các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Tommy, H&M, Adidas, Zara, Chanel… thậm chí có cả những thương hiệu của Việt Nam cũng bị làm nhái. Khi tìm hiểu chúng tôi được một chủ cửa hàng cho biết: “Mác nhà nào làm thì đánh dấu nhà người ta thôi, không quan trọng là mác gì, không phải hàng công ty, bây giờ những mác này tràn lan trên thị trường, dáng hay kiểu cách do bọn em chọn lọc”.
Với những chiếc tem “Made in Viet Nam” hoặc các nhãn hàng nổi tiếng có thể trà trộn vào các cửa hàng thời trang trên thị trường. |
Hiện nay, chợ Ninh Hiệp cũng có nhiều cửa hàng treo biển bán hàng “Made in Viet Nam”. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, chúng tôi được biết các cửa hàng này đều có nguồn hàng riêng, nhiều sản phẩm được sản xuất rồi nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại được gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” hoặc được cung cấp bởi các xưởng may gia công trong nước nhưng cũng gắn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng trong nước.
Tiếp tục tìm đến một cửa hàng khác tại chợ Ninh Hiệp, chúng tôi được chủ hàng giới thiệu khá kỹ, từ đường kim mũi chỉ, tem, mác đến đóng gói, rồi cách tính giá bán như thế nào cho hợp lý. Chủ cửa hàng này cho biết, quần áo tại đây có thể gắn bất kỳ loại nhãn mác nào. Như vậy, với những chiếc tem “Made in Viet Nam” hoặc các nhãn hàng nổi tiếng, từ những sản phẩm gia công, không rõ nguồn gốc xuất xứ trở thành “hàng hiệu”, có thể trà trộn vào các cửa hàng thời trang trên thị trường.
“Những mặt hàng gắn tem Made in Việt Nam đường may rất đẹp, chỉ cần bắn giá bày bán trong shop. Còn nếu muốn gắn tem gì bọn em cũng có nhưng mỗi mặt hàng phải đặt số lượng lớn. Nếu mua mác thì chỉ nên mua một loại thôi để đánh dấu là hàng của nhà mình làm ra” - chủ cửa hàng nói.
Mới đây, Đội 14 Cục quản lý Thị trường Hà Nội đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả tại chợ Sơn Long, Ninh Hiệp. Các sản phẩm bị làm giả như quần áo, đồng hồ, kính mắt được bán với số lượng lớn, trong đó nhiều nhất là quần áo được bày bán công khai, thậm chí được bán theo cân với giá chỉ từ vài trăm nghìn trong khi sản phẩm thật ngoài thị trường có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Có thể nói, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng vẫn khó kiểm soát, vẫn còn tình trạng bát nháo sản phẩm gắn mác “Made in Việt Nam”. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà tác động không nhỏ đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước./.
“Made in Việt Nam” đang bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng triệt để
Xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả gắn mác “Made in Viet Nam”