Thông tin một số tình hình mới cũng như nhấn mạnh một số nguyên tắc trong cam kết khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tại Chương trình hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO ngày 5/6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ASEAN chính là FTA đầu tiên mà Việt Nam đã tham gia cách nay hơn 20 năm.
“Xét về mức độ hội nhập trong các nước ASEAN, đến nay Việt Nam chiếm vị trí nổi bật cao nhất. Đến năm 2018, Việt Nam và ASEAN đã xóa bỏ tới 98% dòng thuế”, bà Nga cho biết.
Đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bà Nga cho hay, đây là FTA sâu rộng nhất mà Việt Nam đã kí kết và thực hiện. Ngoài những cam kết truyền thống như các FTA trong ASEAN như hàng hóa, đầu tư, sở hữu trí tuệ… CPTPP còn có những cam kết mới như mua sắm chính phủ; chính sách cạnh tranh, viễn thông, thương mại và môi trường, lao động… đây được coi là những vấn đề phi truyền thống.
“Mức độ cam kết của CPTPP cũng rất sâu rộng khi Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế cho các đối tác trong khối này lên tới xấp xỉ 100%. Ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ tới 66% dòng thuế cho các nước CPTPP, nhưng đối tác trong khối đã xóa bỏ từ 97 – 100% các dòng thuế cho Việt Nam”, bà Nga thông tin.
Bà Nga khẳng định, việc cắt giảm nhiều dòng thuế và mở cửa thị trường là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn của thế giới. |
Riêng đối với cam kết xuất xứ trong CPTPP, bà Nga lưu ý, đây là FTA có sự tham gia của 11 đối tác và cũng là hiệp định đầu tiên Việt Nam có định nghĩa quy tắc xuất xứ cộng gộp toàn phần (khác hẳn với các FTA khác). Do đó, đây là quy tắc hết sức quan trọng giúp hình thành chuỗi cung ứng trong khu vực nhưng lại tạo điều kiện rất lớn cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Nga, trong các quy tắc khác, Việt Nam cũng có các cam kết rất cao về sở hữu trí tuệ, vấn đề cạnh tranh, DN nhà nước… tuy nhiên cam kết này không có nghĩa là Việt Nam sẽ bỏ hết các quyền bảo lưu các chính sách cần thiết trong tương lai. “Trong bất kì trường hợp nào, Chính phủ Việt Nam cũng có quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia hay là những vấn đề khẩn cấp liên quan đến kinh tế và xã hội hay bảo vệ môi trường…”, bà Nga lạc quan cho biết.
Lấy ví dụ về cam kết rất mới trong CPTPP đó là mua sắm chính phủ, bà Nga giải thích, đây là hiệp định đầu tiên mà Việt Nam cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Nhưng tất nhiên, Việt Nam cũng không mở hết mà có ngưỡng gói thầu như hạn định về số tiền bao nhiêu mới mở cửa thị trường mua sắm công. Việt Nam cũng không mở cửa cho tất cả các nước, trong hiệp định có phụ lục hết sức cụ thể quy định các Bộ nào mới mở cửa thị trường mua sắm công và gói thầu phải đáp ứng giá trị nhất định. Việt Nam cũng duy trì quyền bảo lưu thời gian chuyển tiếp trong vòng 10 – 15 năm đầu và có quyền chỉ định thầu cho những nhà thầu trong nước.
Ít doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội từ FTA
Nhìn vào cấu trúc cũng như cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, bà Nga khẳng định, việc cắt giảm nhiều dòng thuế và mở cửa thị trường đầu tư và thương mại là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn của thế giới, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Các cam kết về mở cửa thị trường cùng những quy tắc trong bảo hộ đầu tư, mua sắm công, minh bạch hóa các cơ chế chính sách… đã giúp cho Việt Nam nhiều điều kiện thuận lợi để cải thiện thể chế cũng như môi trường đầu tư kinh doanh khởi sắc hơn.
Tuy nhiên làm thế nào để tận dụng được những cơ hội này cũng là vấn đề không đơn giản, theo bà Nga, qua đánh giá việc khai thác lợi ích từ các FTA trong thời gian vừa qua đã cho thấy, DN Việt Nam thực sự chưa khai thác tốt, dù cơ hội từ các FTA đưa lại rất lớn về mở cửa thị trường nhưng số lượng DN khai thác có hiệu quả chỉ mới chiếm từ 30 – 40%, còn lại hầu như các DN trong nước chưa tận dụng để khai thác.
“Sẽ có nhiều lý do khác nhau cả khách quan và chủ quan, có thể do còn nhiều DN chưa biết về các FTA này do khả năng tiếp thu còn hạn chế bởi phần lớn DN của Việt Nam là các DN vừa và nhỏ, việc tiếp cận thông tin không được tốt nên cần làm tốt hơn công tác tuyên truyển, phổ biến các FTA mà Việt Nam đã tham gia”, bà Nga nói.
Chính vì thế, bà Nga cho rằng, đối với các DN sản xuất kinh doanh rất cần tìm hiểu thị trường đối tác trong FTA để sản xuất sản phẩm gì, sản phẩm như thế nào và giá cả bao nhiêu, áp dụng quy tắc xuất xứ ra làm sao… bởi dù thuế suất có thể giảm về 0% nhưng không phải DN Việt Nam muốn sản xuất sản phẩm gì cũng có thể bán được ở thị trường các quốc gia tham gia FTA với Việt Nam…
“Quan trọng nhất là DN Việt Nam cần phải nắm vững quy tắc xuất xứ của các đối tác trong FTA mà Việt Nam đã thực thi đối với sản phẩm của chính DN mình. DN cũng phải phối hợp chặt chẽ với phía chính phủ để tháo gỡ các hàng rào kiểm dịch khi sản phẩm xuất khẩu bị vướng mắc”, bà Nga cho hay./.
Hàng hóa xuất khẩu chưa tận dụng được các ưu đãi từ FTA