Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều 26/10, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, đánh giá sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định số 16/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa sẵn sàng để tiến tới tự chủ, thậm chí còn có tâm lý trông chờ vào ngân sách Nhà nước. 

hop_bao_chuyen_de_cua_bo_tai_chinh_euvv.jpg
Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Phạm Văn Trường tại buổi họp báo (ảnh: MOF)

Ì ạch tự chủ…

Phân tích sự cần thiết đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, ông Trường cho biết, Bộ Tài chính đã được giao nghiên cứu sửa đổi Nghị định 43/2006 ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ số 43) theo hướng ban hành một Nghị định khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các Bộ quản lý ngành căn cứ vào Nghị định khung xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực: y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015 ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Mục tiêu hướng tới là thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội....

Điểm mới trong Nghị định 141/2016/NĐ-CP đó là về phạm vi điều chỉnh: Nghị định số 141 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác. Nghị định này không điều chỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hóa thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ.

Đối với nội dung tự chủ về nhân sự, Nghị định 141 quy định về xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do NSNN bảo đảm chi thường xuyên xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điểm mới của Nghị định số 16/2015 là tạo ra sự tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về tài chính, nhân sự... Đơn vị được quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự đấu thầu các hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật...

Đến nay, đã hơn 1 năm thực hiện Nghị định 16/2015, nhưng theo đánh giá của Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, thực tế triển khai nghị định này vẫn chậm.

Về nguyên nhân sự chậm trễ này, ông Trường cho rằng, việc chuyển đổi sang cơ chế mới sẽ khó, gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, việc ban hành các quyết định về danh mục đơn vị sự nghiệp công sử dụng NSNN của từng bộ, cơ quan Trung ương cũng hoàn thành chưa đồng đều. Tiến độ các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao chậm so với thời gian yêu cầu theo Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành ra, Nghị định 16/2015 đến nay đã ban hành hơn một năm nhưng quá trình triển khai chậm so với lộ trình.

“Đáng lẽ trong quý IV năm 2015, các bộ, ngành đã phải xây dựng xong dự thảo Nghị định chuyên ngành trình Chính phủ”, ông Phạm Văn Trường nhấn mạnh.

Cụ thể, theo kế hoạch đặt ra trước đó là tới quý IV năm 2015 sẽ có 7 nghị định về cơ chế tự chủ của từng chuyên ngành sẽ được ban hành. Tuy nhiên, tới hiện tại đã là tháng 10/2016, khi đã quá hạn gần 1 năm chỉ có 2 nghị định được ra đời. 5 nghị định còn lại hiện tại có 4 nghị định đang trình Chính phủ, còn một nghị định vẫn chưa trình lên Chính phủ.

Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức tại các đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, không ít đơn vị chưa sẵn sàng bắt tay vào thực hiện cơ chế tự chủ mà còn có tâm lý trông chờ vào ngân sách nhà nước, muốn ngân sách hỗ trợ thêm.

Tự chủ để góp phần cơ cấu lại phân bổ ngân sách nhà nước

Theo ông Phạm Văn Trường, với mục tiêu đẩy mạnh cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công là góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Nghị định 16/2015 đã đưa ra lộ trình “tính đúng tính đủ” giá dịch vụ công triển khai theo ba bước với ba mức: Đến năm 2016 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018 sẽ thêm chi phí quản lý; đến năm 2020 sẽ tính thêm chi phí khấu hao tài sản cố định.

Với lộ trình này, giá, phí dịch vụ được đẩy lên dần dần, từ đó nguồn lực của các đơn vị tăng lên. Khi các đơn vị tự chủ theo lộ trình từ nay đến 2020, phần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách hỗ trợ cho các đơn vị sẽ được cơ cấu lại, thì hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn. Do đó, tổng chi ngân sách cho các lĩnh vực sẽ không giảm, mà sẽ được cơ cấu lại. Thay vì chi cho đơn vị sự nghiệp công, sẽ chuyển sang đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công như người nghèo, vùng sâu vùng xa, đối tượng chính sách, khó khăn

Đơn cử như lĩnh vực y tế, nguồn chi cho lĩnh vực y tế chuyển sang hỗ trợ 100% hoặc một phần để mua bảo hiểm y tế đối với các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn… giúp mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế. Từ thực tế đó, các đơn vị sự nghiệp công đổi mới cơ chế tự chủ sẽ hiệu quả hơn.

Mặc dù đã nắm được “lợi thế” của nghị định, nhưng rất ít đơn vị chuyển đổi sang cơ chế tự chủ. Theo Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, hiện chỉ có 2 đơn vị là Bệnh viện Giao thông vận tải và Trung tâm y tế của thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đổi sang cơ chế tự chủ. Một số đơn vị khác đang làm đề án, lấy ý kiến các cơ quan và địa phương và không thể làm ngay một sớm một chiều vì liên quan đến tài chính, tài sản, tâm lý người lao động…, nên số lượng còn hạn chế.

Đáng lưu ý, khi các đơn vị khi đã tự chủ sẽ không có chuyện “thụt lùi” để quay về xin hưởng hỗ trợ từ “bầu sữa ngân sách”. Điều này, trước mắt có thể gây băn khoăn cho một số đơn vị. Nhưng khi các đơn vị đã xin tự chủ, thì phải tự có chiến lược duy trì hoạt động.

Tránh tiêu cực phát sinh

Về việc tạo ra cơ chế kiểm tra, kiểm soát đối với đơn vị được giao quyền tự chủ ở mức cao, Nghị định 16/2015 quy định phải thành lập hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng, tránh tiêu cực phát sinh hoặc các quyết định chưa đảm bảo khách quan. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập được ổn định trong 3 năm. Trường hợp nguồn thu, nhiệm vụ của đơn vị có biến động làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, đơn vị báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét điều chỉnh mức độ tự chủ cho đơn vị trước thời hạn.

Thực tế, việc đổi mới cơ chế tự chủ không chỉ góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Mà còn thực hiện cải cách tiền lương, trong đó cải cách đối với các đơn vị vẫn còn được Nhà nước hỗ trợ; tăng chi cho các chương trình y tế dự phòng, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, là những mục tiêu trọng điểm, cấp bách mà Nhà nước đầu tư.

Ông Trường tin tưởng, hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp từ khi có Nghị định 43/2006 về tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sau 7-8 năm thực hiện thì hoạt động hiệu quả rõ ràng. Nguồn thu đơn vị tăng lên, số lượng chất lượng dịch vụ tăng. Thu nhập lao động bình quân tăng 0,5-1% so với trước. Nghị định 16/2015 với những quy định về tự chủ cao hơn, rõ ràng hơn nên hoạt động hiệu quả và tốt hơn./.