Bà Nguyễn Thị Tuyền cũng như nhiều hộ dân ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông hiện nay đã thoát khỏi cảnh nghèo khó nhờ trồng cây mãng cầu Xiêm. Bà Tuyền cho biết, gia đình bà có hơn 1 ha đất ruộng làm lúa bấp bênh. Trong 4 năm nay, nhờ chuyển qua trồng cây mãng cầu Xiêm thu nhập tăng lên gấp nhiều lần. Vừa rồi, thu hoạch vườn cây mãng cầu Xiêm, gia đình bà có lãi trên 200 triệu đồng.

“Trồng cây mãng cầu đỡ hơn làm ruộng. Ruộng làm một năm có 2 vụ, trồng mãng cầu thì trái cho quanh năm, tính ra đỡ hơn lúa. Tết thì có giá hơn, mình bán mãng cầu chưng, bán được khoảng 20.000 đồng/kg” -bà Tuyền nói.

vov_mang_cau_xiem_1_bdso.jpg
Trái mãng cầu Xiêm đầu mùa Tân Phú Đông.

Tân Phú là địa phương có vườn cây mãng cầu Xiêm lớn nhất vùng cù lao Tân Phú Đông. Đến nay, 70% hộ nông dân trong xã đã chuyển từ đất lúa sang trồng được gần 400 ha cây  mãng cầu Xiêm. Nhờ loại cây này thích nghi với vùng đất nhiễm phèn - mặn của vùng cù lao và sự chuyển giao kỹ thuật, lai tạo giống của ngành chuyên môn nên đa số nhà vườn trồng loại trái cây này rất hiệu quả. Năng suất của cây mãng cầu Xiêm hàng năm đạt từ 15 - 17 tấn/ha/năm.

Giá trái mãng cầu tăng giảm theo từng thời điểm, thấp nhất là 5.000 đồng/kg, cao nhất đến gần 30.000 đồng/kg. So với các loại cây trồng truyền thống ở vùng cù lao thì hiệu quả kinh tế của cây mãng cầu Xiêm dẫn đầu. Tại xã Tân Phú còn thành lập Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Xiêm. Trong đó, có gần 20 ha đã đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Cây mãng cầu Xiêm trên địa bàn xã có 385 ha cho trái rất ổn định. Nói chung thu nhập bình quân của mỗi ha mãng cầu, bà con có lãi khi trừ chi phí khoảng 150 triệu đồng. Cây mãng cầu Xiêm rất thích hợp với thổ nhưỡng, vùng đất  là một trong những cây xóa đói giảm nghèo” - ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết.

Trước đây 10 năm, toàn cù lao Tân Phú Đông chỉ có vài trăm ha cây mãng cầu Xiêm. Đến nay, diện tích cây ăn quả này đã lên đến gần 1.000 ha, tập trung nhiều ở các xã: Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh… Đặc điểm của loại cây này là trồng ghép trên gốc cây Bình Bát, cho năng suất, chất lượng rất cao. Đặc biệt, cây mãng cầu Xiêm ở cù lao Tân Phú Đông rất thích nghi với hạn, mặn, nên cho trái quanh năm. 

Nhà vườn thu hoạch trái mãng cầu Xiêm.

Hiện tại, vùng này có hàng chục cơ sở chuyên thu mua trái mãng cầu Xiêm để đưa đi tiêu thụ các nơi. Trái mãng cầu rất hữu dụng, ngoài việc ăn tươi, chế biến nước giải khát hảo hạng, còn làm bánh mứt, trà. Trái mãng cầu xanh, lá cây mãng cầu còn  sử dụng làm dược liệu rất có giá trị. Tại xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông thành lập doanh nghiệp chế biến trà mãng cầu được thị trường ưa chuộng.

Từ khi vườn mãng cầu Xiêm rợp bóng thì vùng cù lao heo hút ngày nào nay đã khác hẳn. Những ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên, xe mô tô, ô tô chạy bon bon trên các tuyến đường cũng nhờ hiệu quả của mô hình trồng cây mãng cầu Xiêm. Tuy nhiên, để cây mãng cầu Xiêm phát huy giá trị và góp phần làm giàu cho người dân cù lao thì vấn đề đầu ra cần được chính quyền và ngành chức  năng quan tâm.

Vùng này chưa có nhà máy chế biến để tiêu thụ trái mãng cầu Xiêm tại chỗ. Đa số nhà vườn phải bán cho thương lái, thường xuyên bị ép giá. Ông Nguyễn Trung Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết địa phương rất quan tâm phát triển cây mãng cầu Xiêm theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng đến việc quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, kiện toàn hệ thống thủy lợi và thu hút đầu tư.

“Ngành tăng cường công tác nạo vét các tuyến kênh, công trình thủy lợi để cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cây mãng cầu Xiêm; tuyên truyền cho bà con giữ vững nền tảng diện tích sản xuất hiện có. Hướng lâu dài thì huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các đối tác đầu tư: đầu tư nhà sơ chế, chế biến” - ông Hòa nói.

Mãng cầu Xiêm là một trong 7 loại cây ăn trái chủ lực, có giá trị cao của tỉnh Tiền Giang. Đối với huyện cù lao Tân Phú Đông, đây là loại cây thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với con tôm, con cá, cây mãng cầu Xiêm cần được chính quyền và người dân cù lao quan tâm, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu, góp phần giúp người dân làm giàu, đổi đời vùng đất mặn./.