Huyện Châu Thành, tỉnh Long An được nhiều người biết đến là nơi chuyên trồng thanh long với chất lượng đứng nhất nhì cả nước. Thanh long Châu Thành có vỏ màu hồng ngọt, ngoe xanh mướt, vị ngọt, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Nhiều nông dân huyện Châu Thành, Long An đổi đời, làm giàu nhờ trồng Thanh Long xuất khẩu. |
Thanh long Châu Thành có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài nổi tiếng khó tính như Nhật Bản, Australia... Vài năm nay, từ trái thanh long xuất khẩu, người trồng thanh long ở Châu Thành đã xây được nhà cửa kiên cố, khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi, cuộc sống được nâng lên rất nhiều. Tết này cũng vậy, từ vụ thanh long vừa thu hoạch và xuất khẩu, nông dân ở đây đón một năm mới thật đủ đầy, sung túc.
Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang với nhiều tiện nghi vừa được sắm mới, ông Trần Văn Năm, xã Long Trì, huyện Châu Thành hồ hởi kể về cuộc đời nông dân của mình. Nhiều năm rồi, ông và người dân ở đây mới có một cái Tết vui vẻ và phấn khởi như vậy.
Trở lại hơn 10 năm trước, cũng trên 1 hecta đất đang có, với lúa và hoa màu ông phải nai lưng quần quật quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Sau nhiều lần suy nghĩ trăn trở, ông đã lặn lội ra tận tỉnh Bình Thuận học hỏi nghề trồng thanh long. Trở về, ông Năm đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây thanh long ruột trắng.
Hơn 3 năm sau, ngay vụ đầu tiên, tuy giá cả còn bấp bênh, đầu ra chưa ổn định, song cũng đem lại cho ông một số lợi nhuận nhất định. Điều đó đã tạo nhiều động lực giúp ông bám trụ với cây thanh long cho đến hôm nay. Dần dà, thanh long Châu Thành xuất khẩu đi nhiều nước, lợi nhuận thu về cũng khá hơn, đời sống gia đình ông và nhiều gia đình khác ở huyện Châu Thành này đã có sự chuyển biến rõ nét.
Vụ thanh long trước tết này, chỉ với hơn 1 hecta nhưng sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông vẫn lãi hơn 500 triệu đồng, đủ để sửa chữa nhà cửa và đón một cái tết sung túc. Để sản xuất thanh long có hiệu quả bền vững, ông Năm và bà con nơi đây vẫn đang nỗ lực xây dựng, khẳng định thương hiệu cho cây thanh long của địa phương mình.
Ông Trần Văn Năm chia sẻ, "Chúng tôi đang đang phối hợp với Viện cây ăn quả Miền Nam để nghiên cứu loại giống tốt hơn sạch bệnh hơn. Vấn đề đặc biệt hiện nay sản xuất Thanh Long theo tiêu chuẩn VietGAP đang được bà con xem là vấn đề ưu tiên để làm sao chúng ta xuất khẩu vào được những thị trường khó tính."
Sau mùa vụ trúng lớn ông Lê Đắc Vinh tuyển chọn những giống thanh long tốt cung cấp cho bà con. |
Cũng như vậy, tết này, ông Lê Đắc Vinh ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, phấn khởi khi thanh long vừa trúng mùa vừa được giá. Với giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, hơn 1 ha thanh long ruột đỏ qua 2 vụ đã mang về cho gia đình ông Vinh hơn 1 tỷ đồng.
Vài năm nay, cũng từ thanh long mà gia đình ông Vinh ngoài xây dựng nhà cửa khang trang còn mua được thêm xe hơi, xe tải. Ông Vinh cũng sẵn lòng chia sẻ cho nhiều nông dân khác những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về trồng thanh long với mong muốn cùng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Lê Đắc Vinh nói: "Cuộc sống bà con hiện nay rất ổn định, sung túc, như tại thời điểm này giá thanh long ruột đỏ giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, mỗi ký bà con đã lời 40.000 đồng. Đợt thanh long thắp đèn cuối năm này với 10 tấn trúng giá, bà con đã có lãi hơn 400 triệu."
Cả huyện Châu Thành có hơn 20.000 hộ nông dân trồng gần 8.000 ha thanh long. Chỉ riêng năm 2017, sản lượng thanh long của Châu Thành đạt trên 20.000 tấn, trở thành loại trái cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề trồng thanh long phát triển đã kéo theo một loạt các hoạt động kinh tế, dịch vụ công nghiệp, hậu cần xử lý đóng gói, vận chuyển... phát triển theo.
Thời gian gần đây, trái thanh long không chỉ mang đến đời sống sung túc cho nông dân mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Cuộc sống khấm khá hơn, nông dân tự nguyện cùng chính quyền làm đường nông thôn, xây cầu, trạm y tế, hệ thống nước sạch...
Đến thời điểm này, đã có 9/12 xã của huyện được công nhận xã nông thôn mới và huyện tiến tới được công nhận là huyện nông thôn mới trong năm nay. Theo ông Võ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, năm 2011 số hộ nghèo chiếm hơn 5%, đến nay giảm chỉ còn 1,9%. Bây giờ nhà cửa bà con khấm khá hết, nào tivi LCD, máy lạnh, xe hơi... trang bị đầy đủ, nhà nào nhà nấy đều khang trang. Đời sống vật chất đặc biệt tinh thần được nâng lên rất nhiều so với trước. Do đó, diện tích nào trồng được thanh long đều được phủ kín, đồng bộ hết từ các xã đến thị trấn.
Để sản xuất thanh long hiệu quả bền vững và ngày càng phát triển, tỉnh Long An đang thực hiện Đề án quy hoạch vùng trồng thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính. Nông dân trồng thanh long ngày càng quan tâm đầu tư giống, công nghệ và tham gia vào các hợp tác xã để sản xuất lớn, cùng nhau mở ra hướng đi lâu dài.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, với sự giúp đỡ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng với sự hiểu biết tiến bộ của bà con nông dân, trong thời gian tới trái thanh long huyện Châu Thành, tỉnh Long An sẽ xuất sang được thị trường EU và các nước có tiêu chuẩn khắt khe khác.
Tết này, trong những căn nhà khang trang ẩn giữa các vườn thanh long xanh mướt, cuộc chuyện trò chưa bao giờ rôm rả hơn khi nói về chủ đề thanh long. Đã qua rồi những ngày khó khăn, vất vả, cây thanh long đang mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho nông dân Châu Thành. Tin rằng, với tư tưởng sản xuất lớn, sản xuất nông sản sạch, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, người trồng thanh long sẽ luôn có những cái tết đủ đầy./.Việt Nam xuất khẩu rau quả thu 13 triệu USD mỗi ngày gần Tết
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng đầu năm mang về hơn 3 tỷ USD