Tiến sỹ Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về một số điểm cần quan tâm khi thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc cắt giảm đầu tư công theo cách làm hiện nay chỉ là biện pháp tình thế (Ảnh minh hoạ) |
PV: Thưa ông, hiện dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm chỉ bằng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người cho rằng nó thể hiện sự xấu đi của kinh tế vĩ mô và sẽ ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm?
Tiến sỹ Trần Du Lịch:Trước hết tôi nói con số đầu tư chung. Tổng đầu tư xã hội năm nay giảm rất mạnh. Trước đây tổng đầu tư toàn xã hội đạt trên 44% GDP nhưng năm nay dự kiến chỉ còn 34 - 35%, năm tới tiếp tục giảm nữa. Trong tổng đầu tư toàn xã hội thì đương nhiên có một phần đầu tư của Nhà nước giảm, khu vực tư nhân và nước ngoài cũng sẽ phải giảm. ở đây tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tôi nghĩ rằng, với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế thì ngay cả FDI cũng định hướng tái cấu trúc. Chúng ta phải đánh giá những cái được và chưa được trong lĩnh vực FDI để tính toán lại một cách tổng thể vấn đề này.
PV:Vừa rồi Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại thu hút FDI. Ở một số địa phương xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp FDI vay vốn của các ngân hàng trong nước đầu tư, làm ăn thua lỗ rồi bỏ về nước. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Tiến sỹ Trần Du Lịch:Thời kỳ chúng ta thu hút FDI bằng mọi giá qua lâu rồi. Trong cách tính vốn FDI hiện nay, tôi đề nghị phải nên tính kỹ vì với danh nghĩa là doanh nghiệp FDI nhưng chưa hẳn người ta đã mang tiền vào mà họ vay ngay trong nước ta, và khi chúng ta thống kê là doanh nghiệp FDI giải ngân bao nhiêu thì cần làm rõ là bao nhiêu ở ngoài họ đưa vào, bao nhiêu họ vay trong nước. Doanh nghiệp FDI vào đầu tư, tuy là tiền của người ta nhưng xét trên bình diện quốc gia vẫn là nợ quốc gia. Chúng ta phải tính hiệu quả chung của nền kinh tế trong FDI. Cần một chiến lược FDI gắn với chiến lược 10 năm 2011 - 2020 mà chúng ta đang xây dựng. Quan điểm nhận thức về FDI phải thay đổi để có chính sách phù hợp.
PV: Ông nhận xét như thế nào về hiệu quả của việc cắt giảm đầu tư công từ đầu năm đến nay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ?
Tiến sỹ Trần Du Lịch:Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, cắt giảm đầu tư công theo cách làm hiện nay chỉ là biện pháp tình thế. Cắt giảm đâu phải là điều tốt nếu chúng ta đã bố trí đúng. Và hiện nay chúng ta cũng chưa đánh giá được tác động ngược lại của việc cắt giảm những dự án vừa qua. Tôi đi thực tế thấy, có nhiều trường hợp do việc cắt giảm một cách máy móc đã làm cho những dự án, những công trình đang đầu tư lại thành công trình vốn chết mà không phát huy hiệu quả.
Vấn đề tôi đặt ra là, chúng ta cần thay đổi phương thức phân bố đầu tư công vào năm 2012 như thế nào?, và giải quyết những hệ quả của năm 2011 ra sao? Phương thức phân bổ lại phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả. Nếu chúng ta cứ duy trì cách phân bổ đầu tư như lâu nay thì năm này năm kia lại phải đi cắt giảm.
PV:Ý kiến của ông về điều hành nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm?
Những tháng còn lại sẽ không có vấn đề lớn nếu tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tiền tệ chưa nới lỏng, chúng ta cũng chưa có thể nới lỏng chính sách đầu tư công được và chúng ta tiếp tục kiên trì các giải pháp này để lạm phát không tái diễn và mục tiêu lớn nhất chúng ta đặt ra là năm 2012 phải kéo lạm phát về 1 con số. Trên một tiêu chí như vậy chúng ta mới tính toán lại các chính sách khác để bảo đảm từng bước đi vào ổn định vĩ mô. Nếu khi kinh tế vĩ mô chưa ổn định thì chúng ta không thể bàn vấn đề tăng trưởng ở đây.
Xin cảm ơn ông!./.