Nông dân ở Đăk Nông vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn để tái canh cây cà phê, do chưa có quy hoạch tổng thể phát triển cà phê bền vững. Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Tái canh cà phê trên địa bàn, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông phối hợp với Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam tổ chức.

8a31370227306tai-canh-cay-ca-phe_yylg.jpgNgười dân trồng cà phê gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn (Ảnh: KT)

Tỉnh Đăk Nông có hơn 100.000 ha cà phê kinh doanh, trong đó có gần 25.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, cần tái canh và thay giống mới. Sau 3 năm thực hiện, chỉ một số ít diện tích cà phê tái canh của nông dân bước đầu đã phát triển ổn định, thay thế được giống mới có khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao. Tuy nhiên, hầu hết diện tích cà phê cần tái canh ở Đăk Nông vẫn chưa thể thực hiện được do nhiều nguyên nhân. Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám độc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông, do thiếu nguồn vốn lớn, nhiều hộ nông dân đang phải kinh doanh trên vườn cà phê già, năng suất thấp.

Để tái canh gần 25.000 ha cà phê, Đăk Nông cần nguồn vốn khoảng 3.600 tỷ đồng. Hiện tại, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã dành nguồn vốn ưu đãi 12.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân Tây Nguyên tái canh cà phê. Tuy nhiên, với tỉnh Đăk Nông, do chưa có quy hoạch tổng thể phát triển cà phê bền vững nên ngân hàng chưa triển khai gói tín dụng vừa nêu ở tỉnh này. Trong khi đó, nếu như nguồn vốn tái canh cà phê được khơi thông, thì mức lãi suất 9,5%/năm vẫn chưa  hấp dẫn, chưa đủ giải quyết khó khăn cho nông dân trồng cà phê.

Ông Hồ Gấm, Phó Giám độc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông cho biết: “Hiện nay, bản quy hoạch chi tiết tỉnh Đăk Nông chưa có, vì thế ngân hàng khó xác nhận được đây là vùng phát triển cà phê để ưu tiên tái canh, đó là hạn chế. Không có vốn thì người dân chưa thể đầu tư tiếp nối tái canh hoặc nếu đầu tư ít thì sẽ kém chất lượng. Ngoài ra, nông dân cũng cần được giảm lãi suất và kéo dài thời hạn vay hơn nữa, như thế nông dân mới mặn mà với nguồn vốn.”./.