Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 đề ra hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam gần đây đã được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta.

cai_cach_hanh_chinh_grpa.jpgảnh: KT
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến tháng 10 vừa qua đã có gần 4.200 thủ tục thuộc các lĩnh vực thuế; hải quan; bảo hiểm xã hội; đất đai; xây dựng; thủ tục đầu tư... được cắt giảm (đạt 88,%), tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, Thông tư 119 về cải cách, đơn giản hóa các thủ tục thuế đã giúp giảm 25% thủ tục thuế, giải quyết gánh nặng về thủ tục thuế đối với doanh nghiệp.

Việc thực hiện cơ chế hải quan một cửa cũng giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa từ 21 ngày xuống còn 14 ngày và giảm từ 10-20% chi phí cho doanh nghiệp…

Theo một cuộc khảo sát mới đây tại 1.000 doanh nghiệp, có tới 67% doanh nghiệp cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện theo hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Những kết quả trên là nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Cộng đồng kinh doanh đang có cảm nhận về 1 giai đoạn đột phá trong cải cách thể chế ở Việt Nam, đặc biệt với 1 loạt những quyết định quan trọng của Chính phủ từ đầu năm đến nay cũng như những nỗ lực của chúng ta vào các hiệp định thương mại tự do lớn trên thế giới, cũng như quyết tâm của chúng ta trong việc đẩy mạnh, nâng cao nội lực và tự do hóa thị trường, giảm sự lệ thuộc. Chính phủ đã đề ra 1 chương trình đồng bộ để cải cách thể chế và đề ra 1 cơ chế để kiểm tra, giám sát, thúc đẩy quá trình này”.

Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới cuối tháng 9 cho thấy chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên 2 bậc từ vị trí 70 lên 68 trong bảng xếp hạng 148 nền kinh tế. Hiện, Quốc hội đang xây dựng các hệ thống luật theo xu hướng giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp như: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi…

Trong đó, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã có bước nhảy vọt về tư duy pháp luật khi hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do của người dân, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm theo đúng tinh thần của Điều 33, Hiến pháp năm 2013.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Trên cơ sở kế thừa những thành quả và những cải cách đã đem lại, việc luật hóa những quy định về cơ chế liên thông điện tử nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, mở rộng diện liên thông sang các lĩnh vực khác như đăng ký bảo hiểm xã hội, đăng ký lao động...; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, liên quan đến hồ sơ, trình tự thủ tục và chuyển hoàn toàn sang cơ chế hậu kiểm, xóa bỏ những yêu cầu mang tính tiền kiểm trước đây, ví dụ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định... Một trong những mục tiêu cao nhất của Luật doanh nghiệp lần này là tạo ra 1 sân chơi bình đẳng trong việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không phân biệt nguồn gốc sở hữu, lĩnh vực hoạt động và không phân biệt các loại hình doanh nghiệp”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, và sớm hoàn thiện thể chế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư sản xuất. Ông Nguyễn Đình Cung nói: “Vấn đề hiện nay theo tôi là phải tạo ra hứng khởi trong động lực kinh doanh và tinh thần kinh doanh. Điều đó cần một sự thay đổi lớn về mặt thể chế, đặc biệt nhấn mạnh đến những thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn, ở đây thể hiện tinh thần thay đổi trong bộ máy nhà nước phục vụ người dân như thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích. Theo tôi, đó là thay đổi về quản lý trong cách thức tạo ra môi trường kinh doanh để thúc đẩy một làn sóng đổi mới”.

Theo các chuyên gia kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có những cải thiện đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 xếp thứ 78 trên tổng số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 6 bậc so với năm 2014. Cách đánh giá này là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình, coi đây là một trong những động lực thúc đẩy nhanh hơn nữa việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi./.