Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các đồng minh châu Âu nổi giận khi áp đặt 25% thuế thép và 10%. Trung Quốc và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại trả đũa lẫn nhau khiến các nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh thương mại.
Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã kêu gọi các bên đàm phán sâu rộng hơn, giải quyết căng thẳng thương mại đang leo thang nhanh chóng giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Trong thông cáo chung, các lãnh đạo tài chính của G20 chỉ ra rằng, kinh tế thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, họ cảnh báo tình hình tăng trưởng không đồng bộ giữa các nền kinh tế lớn và các nguy cơ gây bất lợi cho kinh tế thế giới trong ngắn hạn và trung hạn ngày một tăng.
G20 kêu gọi đàm phán trước nguy cơ chiến tranh thương mại. (Ảnh: Arab News) |
Các nguy cơ này gồm gia tăng lỗ hổng tài chính, leo thang căng thẳng thương mại và địa chính trị, tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, một số nền kinh tế phát triển cũng đối mặt với tăng trưởng yếu kém và không đồng đều về mặt cấu trúc.
Nhóm các bộ trưởng tài chính tái khẳng định kết quả hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước G20 tại thành phố Hamburg, Đức tháng 7/2017, nhấn mạnh thương mại là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các thỏa thuận thương mại đa phương là điều cần thiết. Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn nhấn mạnh "sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin".
Trong cuộc họp hồi tháng 3, các lãnh đạo tài chính chỉ nhắc đến việc đẩy mạnh đàm phán. Tuy nhiên, cuộc họp lần này cho thấy họ đang có thái độ cứng rắn hơn.
"Ý kiến của các bộ trưởng tại cuộc họp hôm qua cho thấy những vấn đề được nêu cần được giải quyết gấp rút bởi vì nếu không giải quyết thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Chính vì thế tôi cảm thấy lạc quan hơn về sự thay đổi này, thương mại tự do là thứ chúng ta đang cố gắng đạt được” - Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison nói.
Tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng lên tiếng phản đối tình trạng áp đặt thuế đáp trả nhau gần đây. Ông Christine Lagarde kêu gọi "giải quyết các xung đột thương mại thông qua sự hợp tác quốc tế” mà không phải viện tới các biện pháp ngoại lệ.
Cuộc họp Bộ trưởng G20 diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các đồng minh châu Âu nổi giận khi áp đặt 25% thuế thép và 10% thuế nhôm nhập khẩu. Liên minh châu Âu (EU) lập tức đáp trả bằng cách áp lượng thuế tương tự lên xe máy, rượu và các mặt hàng khác từ Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đang nghiên cứu việc đặt thêm thuế đối với ôtô nhập khẩu, điều có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản.
Ngoài ra, kinh tế thế giới cũng đang đối diện với bất ổn mới khi Mỹ và Trung Quốc đang lần lượt áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. Ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt thuế trừng phạt lên toàn bộ 500 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trừ khi Trung Quốc đồng ý thay đổi chính sách chuyển giao công nghệ, trợ cấp doanh nghiệp và các chính sách liên doanh./.
G20 thảo luận nóng các mối căng thẳng thương mại với Mỹ
Hội nghị G20: Căng thẳng thương mại đe dọa nền kinh tế toàn cầu