Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết bất ổn liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande dựa trên các nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật.
Hãng tin AFP dẫn phát ngôn của ông Zou Lan, trưởng bộ phận thị trường tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - tức ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), cho biết giới chức nước này đang thực hiện công tác xử lý và loại bỏ rủi ro phù hợp với pháp luật và các nguyên tắc của thị trường.
Những năm gần đây, công ty Evergrandeđã quản lý yếu kém và chưa kinh doanh thận trọng trước những thay đổi của tình hình thị trường, ông Trâu cho hay.
Quan chức PBoC chỉ rõ, Evergrande đa dạng hóa và mở rộng một cách mù quáng, gây suy giảm nghiêm trọng tài chính và hoạt động kinh doanh, và cuối cùng chịu rủi ro bùng nổ.
Gần đây, cái tên Evergrande liên tục được nhắc đến trên truyền thông quốc tế. Sau nhiều năm nhanh chóng mở rộng và gom mua tài sản trong quá trình nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ, Evergrande đã ngập trong đống nợ lên tới 300 tỉ USD và được đánh giá bên bờ vực sụp đổ.
Ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cảnh báo, Evergrande là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới. Sự sụp đổ của Evergrande sẽ là bài kiểm tra lớn nhất mà hệ thống tài chính Trung Quốc đối mặt trong nhiều năm.
Hãng tin Reuters cho biết chính quyền Trung Quốc đang thúc giục các công ty thuộc sở hữu nhà nước và các nhà phát triển bất động sản được nhà nước hậu thuẫn mua lại một số tài sản của Evergrande, nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro do cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande.
Theo thông tin từ tờ SCMP, 19 ngân hàng được mệnh danh là các ngân hàng quan trọng của Trung Quốc (D-SIB) vừa được yêu cầu tăng vốn từ 0,25-1 điểm phần trăm. Các nhà phân tích cho rằng, các quy định chặt chẽ hơn này sẽ tăng cường khả năng chống rủi ro của các ngân hàng đó, đồng thời giúp duy trì sự ổn định tài chính.
Còn các ngân hàng cấp trung bình đến cấp thấp hơn, sẽ phải đối mặt với những thay đổi chính sách lớn như phải bổ sung thêm các bộ đệm yêu cầu, khi Ngân hàng Trung ương tăng cường giám sát các tổ chức cho vay của Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ding Shuang tại Ngân hàng Standard Chartered nhận định, đó là dấu hiệu của việc tăng cường quy định và nó sẽ mở đường cho các ngân hàng giải quyết những vấn đề cụ thể.
Quy định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/12/2021 và được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về rủi ro tài chính có thể lan rộng trên các thị trường, đặc biệt khi nhà phát triển bất động sản như Evergrande đang quay cuồng với một cuộc khủng hoảng nợ lớn.
Theo quy định mới, 19 ngân hàng này sẽ phải đệ trình các phương án thu hồi và xử lý dự phòng mới trong trường hợp hoạt động kinh doanh của họ rơi vào rắc rối tài chính, chẳng hạn như trong trường hợp hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ. Các kế hoạch này sẽ được trình lên Ngân hàng Trung ương để xem xét phê duyệt và được cập nhật hàng năm theo các quy định mới.
Tại một cuộc họp trực tuyến mới đây, Thống đốc PBoC Yi Gang khẳng định, rắc rối của Evergrande chỉ gây ra "một chút lo ngại" và các nhà chức trách có thể ngăn chặn được rủi ro từ "bom nợ" này./.