Trong vòng 3 tháng qua, giá cà phê trong nước và xuất khẩu liên tục giảm. Tại thị trường trong nước, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên từ mức 46.000 đồng/kg trong nửa đầu tháng 3/2013 đến nay đã giảm xuống còn 39.000 đến 40.000 đồng/kg, khiến nhiều doanh nghiệp cà phê có nguy cơ thua lỗ, thậm chí vỡ nợ.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), trong năm 2012 hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên chịu thua lỗ nặng nề. Nguyên nhân là do doanh nghiệp thu mua hàng lúc giá cao, nay đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng nên buộc phải xuất khẩu với giá rẻ.
Mặc dù Vicofa đã đưa ra dự báo về sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2011-2012 sẽ giảm mạnh tới 25% và niên vụ thu hoạch vào tháng 10/2013 giảm tới 30 - 35% nhưng giá cà-phê vẫn tuột dốc. Xuất khẩu cà phê năm tháng đầu năm 2013 đạt 697 nghìn tấn, kim ngạch đạt gần 1,49 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 21,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.
Giá cà phê trong nước và xuất khẩu giảm mạnh một phần lớn do ảnh hưởng khách quan từ sự sụt giảm của thị trường cà phê thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh sự thua lỗ, điêu đứng của doanh nghiệp xuất khẩu thì nông dân đã ký gửi cà phê cho các đại lý thu mua cũng đang phải chịu chung cảnh nợ nần do không nhận được tiền bán cà phê. Một số hộ nông dân giữ lại cà phê thì giờ cũng không tiêu thụ được do doanh nghiệp hạn chế, thậm chí ngừng hẳn mua vào. Nếu trước đây, ngành sản xuất và xuất khẩu cà phê chịu chung tình cảnh "được mùa, mất giá" thì nay lại rơi vào tình cảnh mất mùa vẫn mất giá. Nông dân và doanh nghiệp lại thêm một gánh nặng trong sản xuất, kinh doanh.
Trước tình hình đó, để cứu vãn ngành cà phê trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê; xem xét, bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng được gia hạn thời gian vay tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu. Ðây có thể được coi là một giải pháp hữu hiệu nhất trong lúc này để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp trong việc trả lãi ngân hàng.
Từ đó doanh nghiệp có điều kiện giữ lại nguồn hàng, không bán ồ ạt ra thị trường, kìm hãm được nguy cơ giá cà phê có thể giảm sâu hơn. Ðồng thời doanh nghiệp cũng có nguồn tài chính để chi trả tiền cà phê ký gửi cho nông dân và thu mua một lượng hàng hóa mới trong số cà phê tồn đọng, giúp nông dân có vốn quay vòng sản xuất. Tuy nhiên, ngoài giải pháp tín dụng, về lâu dài để đối phó kịp thời với các tình huống biến động về giá trên thị trường trong nước và thế giới, nhiều ý kiến đề xuất ngành cà phê cần có chính sách tạm trữ linh hoạt như một số ngành hàng chiến lược khác để bảo đảm sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh lâu dài cho cả nông dân và doanh nghiệp./.