Ngay trong những câu hỏi đầu tiên của phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) chiều 13/6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung hỏi về trách nhiệm của Bộ đối với tình trạng thất thoát vốn Nhà nước tại một số tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thời gian qua.

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), chất vấn giám sát và quản lý đầu tư công tại các tập đoàn và TCT vốn Nhà nước theo từng thời kỳ. Hàng năm đều được nghe báo cáo là giao Bộ quản lý chuyên ngành theo dõi, quản lý? Theo thẩm định, Vinalines và các TCT Nhà nước đều sự giám sát chặt chẽ các Bộ? Vậy nguyên nhân do đâu mà dù được giám sát chặt chẽ nhưng vẫn thất thoát, trách nhiệm Bộ trong vụ Vinalines?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Vinh nói: “Về nguyên tắc, Bộ KH-ĐT cũng như các cơ quan khác của Chính phủ đều có trách nhiệm trong những vụ việc này. Chúng ta đã có nhiều qui định về vấn đề này, trước đó còn có luật riêng với các tập đoàn, đối với các dự án… Trong đó ghi rõ, DN có dự án phải chịu trách nhiệm. Chính vì thế nên các tập đoàn không báo cáo. Bộ KH-ĐT thật sự không nắm được tình hình ở các tập đoàn. Trường hợp của Vinashin, Vinalines cũng vậy”.

Đại biểu Lê Thị Nga “vặn” lại: “Tôi thấy Bộ trưởng có nhận một phần trách nhiệm của Bộ trong việc giám sát đầu tư các tập đoàn, TCT Nhà nước. Tôi cho rằng đây là câu trả lời nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là do tập đoàn, TCT không báo báo nên Bộ không nắm rõ? Vậy Bộ tham mưu gì cho chính phủ trong việc chống tham nhũng, thất thoát vốn?”

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời: “Bộ KH-ĐT khi phát hiện những bất cập trong các văn bản pháp lý đã báo cáo chính phủ và đã được chính phủ chấp nhận trình lên QH. Trong quá trình sửa đổi luật, Bộ KH-ĐT đã đề nghị bổ sung thêm ít nhất là hai luật liên quan đến vấn đề này, là Luật DN và Luật Đầu tư.

Về các sai phạm của Vinalines, theo Bộ trưởng Vinh, trong các luật quy định DN chỉ báo cáo chủ sở hữu, không báo cáo lên bộ ngành. Bộ KHĐT có đến xin các báo cáo cũng không được. Thậm chí khi viện trưởng Viện kinh tế xuống họ cũng không thèm tiếp vì họ không có trách nhiệm phải báo cáo. Tôi nhận có trách nhiệm liên quan đến quản lý chung, còn về cái cụ thể rất khó.

Chất vấn về nội dung này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) nhắc lại: Cách nay 2 năm tại Hội trường này, Bộ trưởng KH-ĐT và một đồng chí thường vụ Quốc hội tranh luận thì Bộ “vô can” trong những việc xảy ra ở tập đoàn. Vì Chủ tịch tập đoàn, TCT quyết hết, chúng ta không biết gì cả. Vậy một nguồn lực lớn nhân dân giao như vậy, cơ quan tham mưu là Bộ KH-ĐT phân bố nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực, Bộ trưởng có xót xa khi dùng tiền đó như tiền của các ông mà không phải của nhân dân? Chậm trễ này phải sửa như thế nào? Hay là chúng ta tiếp tục để Bộ KH vô can trong tất cả những thất thoát đó?”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Tôi rất xót xa và rất trăn trở. Nhưng chúng tôi thấy rằng, luật pháp về cơ bản chưa thật hoàn thiện và có thể mỗi một kỳ Quốc hội lại nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau. Nhưng về cơ bản hệ thống pháp luật đã cơ bản rõ, kể cả trong Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Những sai phạm vừa rồi phần lớn liên quan đến bản chất con người. Người ta biết là sai phạm nhưng vẫn cố tình làm. Ngoài tích cực hoàn thiện thể chế thì còn phải quan tâm đến phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền – hàng là vấn đề rất quan trọng. Còn nếu luật bằng 10 mà họ cố tình vi phạm, quyết tâm vì cá nhân mà vượt lên tất cả thì pháp luật phải xử lý.

Chính phủ cũng đang quyết tâm làm rõ chủ thể đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp là ai và cũng phân rõ Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện của Bộ mình quản lý. Bây giờ phải có người chịu trách nhiệm chính, có quyền kiểm soát, thanh tra, tiếp cận với doanh nghiệp và thường xuyên được báo cáo, xin ý kiến, chứ không phải tiền của Nhà nước tiêu như tiền của tư nhân.

Đại biểu Trần Du Lịch nhắc lại: “Sau khi xảy ra vấn đề Vinashin, Vinalines chúng ta thấy rõ một lỗ hổng trách nhiệm. Sự việc như vậy, mà các Bộ liên quan như KH ĐT, Tài chính, Bộ quản lý ngành… không có trách nhiệm gì hết. Tôi biết rằng, Thủ tướng đã chỉ đạo, trước khi xảy ra vụ Vinashin, sửa đổi Nghị định xác định trách nhiệm về quản lý, nhưng rất tiếc là kéo dài không biết lý do gì. Đề nghị Bộ trưởng nên xem lại là bao giờ có được Nghị định này. Cơ chế quản lý hiện nay, không thể loại trừ trách nhiệm của Bộ trưởng KH-ĐT. Chúng ta không thể nào giao cho Vinashin lúc đó có quyền quyết định hơn 50.000 tỷ, trong khi chỉ cần có qui mô 20.000 tỷ là dự án phải trình Quốc hội. Bộ trưởng phải hứa rằng, bao giờ mới tham mưu và lấy được ý kiến để Thủ tướng ban hành Nghị định qui định rõ trách nhiệm: Bộ KH-ĐT, Bộ tài chính và bộ quản lý ngành trong vấn đề quản lý, đầu tư vốn Nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty”.

Bộ trưởng Vinh trả lời: “Tôi nghĩ rằng, vốn ở DNNN là vốn của Nhà nước, kể cả vốn chủ sở hữu là Nhà nước cấp và vốn mà DN đi vay thì cũng là của Nhà nước. Vì khi DN đổ bể, Nhà nước phải cứu trợ, Nhà nước phải bảo lãnh. Cho nên không thể bung ra như DN tư nhân được. Cho nên, các quyết định đầu tư, những dự án lớn đều phải báo cáo, chứ không thể nói là không được và phải có người giám sát việc này chứ không thể trao một quyền quá lớn như vậy. Tất nhiên là có Luật pháp qui định. Chúng ta cần có cơ chế thay đổi cái này”.

Sau phần trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong cắt giảm đầu tư công, bày tỏ quan điểm về việc “dám nhận trách nhiệm hay không” của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Bá thuyền (đoàn Lâm Đồng) nói: “Bộ KH – ĐT không có trách nhiệm gì trong cắt giảm đầu tư công là không thỏa đáng. Vì tư năm 2007 đến nay, kinh tế liên tục chao đảo… Bộ là một trong những thành viên của Chính phủ mà không có trách nhiệm gì là không ổn. Bởi nếu chúng ta cắt giảm ở mức độ vừa phải thì nền kinh tế không đến mức suy giảm như thế này. Chúng ta cắt quá nhiều, gần như cắt cào bằng nên dẫn tới suy giảm, kinh tế kiệt quệ. Nếu không có kế hoạch đầu tư công thì các DN chắc chắn sẽ không có kế hoạch mua bán sắt thép, xi măng gì cả. Nếu không có trách nhiệm thì tôi không đồng tình. Có thể là Bộ trưởng mới thì không thấy hết được vấn đề này. Theo tôi nghĩ, Bộ KH-ĐT có trách nhiệm điều hành nên kinh tế mới như vậy./.