Trưa 17/7, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, vừa ban hành Kế hoạch đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường để đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá thiết yếu cho người tiêu dùng trong mọi tình huống dịch bệnh.

Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giá cả tăng đột biến hay khan hiếm hàng hóa. Các doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu.

Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 gồm: Lương thực (gạo, nếp…), thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, mì gói, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, bánh mứt, kẹo…), thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt...), mặt hàng xăng dầu, mặt hàng phòng chống dịch bệnh (khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch…).

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tổng giá trị hàng hóa dự trữ thường xuyên trong các kho của siêu thị luôn đảm bảo khoảng 685,5 tỷ đồng của 11 siêu thị tham gia (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch).

Tại các khu dân cư, tổ chức theo hình thức bố trí xe bán hàng lưu động hoặc thiết lập các điểm bán hàng hóa thiết yếu bán trực tiếp cho người dân tại các điểm Bưu cục và Bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn, điểm bán hàng khi có nhu cầu tăng thêm do địa phương giới thiệu .

Nếu chợ truyền thống không bị phong tỏa thì được triển khai hoạt động kinh doanh nhưng phải đảm bảo khu vực được khử khuẩn 3 ngày. Tiểu thương bán hàng có xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày, có giăng dây để đảm bảo khoảng cách giữa người bán và người mua tối thiểu là 2m, bán giá đăng công khai, bán đúng giá.

Đối với các khu vực phong tỏa, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, xã tùy theo tình hình thực tế tại địa phương chủ động sắp xếp nhận đơn hàng của các người dân theo các hình thức khác nhau.

Đại diện các siêu thị trên địa bàn Bình Dương cho biết, siêu thị đã tăng từ 50 – 100% các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, sẵn sàng kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng, do đó người dân không nên tích trữ hàng hóa, tránh tình trạng tập trung đông tại một số điểm phân phối.

Ngoài việc bảo đảm giữ ổn định nguồn cung hàng hóa, trước diễn biến phức tạp hiện nay, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng tiếp tục nâng cao mức độ phòng, chống dịch, nhằm đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa./.