Những ngày này, giá vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục tăng, khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này thua lỗ, thậm chí vỡ phương án sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình trọng điểm trên cả nước đang có nguy cơ không thể hoàn thành theo kế hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Cuối năm 2020, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội được cấp bổ sung gần 269 tỷ đồng theo Nghị quyết 08 của HĐND thành phố. Với nguồn kinh phí này, huyện đã bố trí cho 38 công trình cải tạo, xây dựng trường học để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho các xã còn thiếu. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, chỉ trong 1-2 năm nữa, hàng chục nghìn học sinh sẽ được học trong những ngôi trường mới khang trang.

Tuy nhiên, hàng loạt dự án đang khó hoàn thành, bởi giá vật liệu xây dựng tăng quá cao. Một số doanh nghiệp đã giảm nhân công,  hoạt động cầm chừng để chờ đợi giá vật liệu “hạ nhiệt” hoặc xin điều chỉnh kinh phí. Tiến độ xây dựng các dự án đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xây dựng nông thôn mới của 9 xã thuộc huyện Ba Vì. Nguy cơ chậm tiến độ là hiện hữu, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực tài chính, chấp nhận lỗ để thi công vì mục tiêu chính trị của địa phương.

Ông Vũ Việt Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì cho biết, Ban đã tập hợp ý kiến của các nhà thầu để kiến nghị các cấp có thẩm quyền của thành phố xem xét đề nghị điều chỉnh bổ sung kinh phí trong thời điểm này, để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, cũng là tháo gỡ khó khăn cho các dự án xây dựng của huyện.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - nhà thầu lớn trong ngành xây dựng liên tiếp nhận được dự án nhà ở trị giá nhiều nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, niềm vui đã không kéo dài được bao lâu thì trở thành nỗi lo, chỉ vì giá thép và giá vật liệu xây dựng "leo thang".

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành xây dựng là Tập đoàn Xuân Mai - đơn vị đang thi công các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác vừa phải “căng mình” phòng chống dịch Covid-19, vừa phải đối mặt với hàng loạt chi phí phát sinh. Lãnh đạo Tập đoàn Xuân Mai đã tính toán nhiều phương án sản xuất để mang lại hiệu quả cao nhất để giữ được sự ổn định, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

“Giá thép tăng 40% chiếm tới hơn 10% giá trị xây dựng công trình, trong khi đó biên lợi nhuận gộp không bao giờ có con số cao như vậy, nếu tiếp tục làm thì chắc chắn sẽ lỗ nặng. Vừa gặp hạn chế trong kinh doanhvừa phải chống dịch dẫn đến việc các doanh nghiệp xây dựng rất khó khăn trong thời điểm này”, ông Nguyễn Cao Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho hay.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, trong tổng giá trị công trình, chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể phải bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng. Còn đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Hiện nay, giá thép cuộn xây dựng khoảng 18 triệu đồng/tấn. Cùng với sắt thép, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch đá... cũng "tát nước theo mưa" khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên cao. Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu thế giới, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dự kiến trong năm 2021 sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu hơn cho sản xuất thép. Trên thực tế, Bộ Công Thương cũng đã có những động thái để tác động, nhưng hiệu quả mang lại là chưa cao.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị, giá thép mặc dù có những tác động nhất định từ thị trường thép trong khu vực, nhưng việc tăng đến 40% thì con số này cần phải được chính các nhà sản xuất thép cung cấp. “Chúng tôi cho rằng, hiện nay gần như có sự tăng giá đồng loạt, vì vậy cần có biện pháp hữu hiệu từ các cơ quan quản lý”, ông Hiệp đề xuất.

Mặc dù đã có phương án dự phòng rủi ro từ biến động giá của thị trường, song đà tăng quá mạnh hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp và nhà thầu khó cầm cự, buộc phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại.

Vấn đề được đặt ra hiện nay là các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp hữu hiệu để giảm giá thép và một số vật liệu xây dựng khác, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cũng là giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô./.