Thông tin Dự án Bệnh viện Trung ương khu vực Tây Nguyên sẽ được xây dựng tại địa phương khiến cho việc mua bán nhà đất ở thôn 4, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk diễn ra sôi động. Các vườn rẫy của người dân liên tục được mua bán và  phân lô bán nền. Tuy nhiên, sau khi thông tin dự án được chuyển địa điểm về phường Tân An, lượng người về xã Ea Tu chững lại, số biển báo bán đất được cắm dày, những người mua thì thưa vắng.

“Đợt sốt đây đất lên 100 triệu đồng/mét, 150 triệu đồng/mét nhưng giờ thì ngưng rồi. Giờ mấy người mà hôm mua ngoài đường thì 300 triệu đồng, còn tuốt trong buôn 200, 230 triệu đồng thì “đứng hình”. Chủ yếu do cò đất mua rồi sang lại”, chị Nguyễn Thị Thuý ở xã Ea Tu nói.

Tương tự, khu vực quanh hồ Ea Nhái xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, vốn là địa bàn hẻo lánh, nay đang sôi động giao dịch bất động sản sau khi có thông tin về dự án Tổ hợp Khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái của FLC triển khai tại đây.

Anh Nguyễn Văn Định một người môi giới nhà đất cho biết, hiện giá đất ở đây dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/1.000m2: “Tuỳ thuộc vào vùng, ví dụ đất nông nghiệp khu dự kiến làm của FLC 1 tỷ đồng/sào phía dọc đường. Còn vào phía trong thì 500 đến 700 triệu đồng/sào”.

Từ khu vực triển khai các dự án lớn quanh thành phố Buôn Ma Thuột, sốt đất ở Đăk Lăk lan rộng tới các huyện. Ông Hoàng Văn Việt, Trưởng phòng công chứng Hoàng Văn Việt, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, lượng người ở các huyện đến thực hiện giao dịch mua bán đất rất đông. Thậm chí có một lô đất chỉ trong vài tháng nhưng đã làm thủ tục chuyển nhượng mua đi bán lại cho nhiều người.

“Thời gian đầu, giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ chiếm 20%. Bắt đầu từ khoảng tháng 8/2021, văn phòng công chứng của tôi tiếp nhận giao dịch liên quan chủ yếu là quyền sử dụng đất. Và đến thời điểm hiện tại thì chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm đến 80% giao dịch. Một ngày có khoảng 20 giao dịch liên quan đến bất động sản”, ông Hoàng Văn Việt cho biết.

Trước tình trạng giá đất rao bán ở nhiều nơi tăng mạnh, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý. Theo ông Trần Đình Nhuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, dịch vụ bất động sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để kịp thời phát hiện trường hợp có biểu hiện bất thường, vi phạm quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để xử lý theo thẩm quyền.

“Để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng dự thảo quy hoạch làm rúng loạn thị trường, chúng tôi đã tham mưa UBND tỉnh ban hành kịp thời công văn số 36. Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng hồ sơ dựu thảo lập quy hoạch không tung tin đồn thổi đầu cơ nhằm tạo bong bóng bất động sản. Trường hợp vi phạm, UBND tỉnh sẽ giao cho ngành công an theo dõi, xử lý nghiêm. Mặt khác, trong nội bộ ngành chúng tôi yêu cầu hệ thống văn phòng đăng ký đất đai thực hiện nghiêm việc phân lô tách thửa, trong trường hợp bất cập phải báo ngay cho lãnh đạo sở để có hướng xử ký kịp thời”, ông Trần Đình Nhuận cho biết thêm.

Cơn sốt đất tại Đắk Lắk đang giúp cho nhiều người dân hưởng lợi khi những diện tích đất nông nghiệp giá trị thấp, nay cũng bán được hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành chức năng khuyến cáo, các nhà đầu tư đến Đắk Lắk mua bán đất cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của tổ chức môi giới, mua bán đất đai theo tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá lên cao, tạo “bong bóng” bất động sản nhằm trục lợi bất hợp pháp, gây bất ổn cho thị trường. Hiện tại Đắk Lắk, các địa phương vẫn đang tổ chức bán đấu giá ở khu đất được nhà nước quy hoạch bài bản, đầy đủ nên người dân có thể yên tâm về thủ tục pháp lý./.