Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kinh doanh trong cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội.
Đây là diễn đàn đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về khởi nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ (Ảnh: Hồng Quang) |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng, huy động vốn và tín dụng vẫn là cái khó đối với khởi nghiệp ở nữ giới. Ở Việt Nam và ASEAN nói chung, phụ nữ thường thiếu tài sản thế chấp, tuy nhiên chỉ số tín nhiệm vay vốn và khả năng hoàn vốn của phụ nữ được đánh giá cao.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có ngân hàng cung cấp sản phẩm tài chính hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, chẳng hạn cho vay đến 5 tỉ đồng và không phải thế chấp và hưởng lãi suất thấp hơn 1,5% so với vay thương mại thông thường hay sử dụng tài sản thế chấp để vay đến 95-100% giá trị tài sản thế chấp…
Bà Minh cho rằng, trước khi có những hỗ trợ từ bên ngoài, thì việc đầu tiên của phụ nữ khởi nghiệp là phải tự khẳng định mình, vượt qua nỗi sợ hãi và khó khăn để vươn lên làm chủ.
“Phụ nữ khi khởi nghiệp hãy tự tiến lên, tự cứu lấy mình trước khi chờ chiếc phao cứu sinh nào đó. Chúng tôi không xây dựng những hình mẫu nữ doanh nhân quá thành đạt như tỷ phú, mà chúng tôi chọn cách tiếp cận gần gũi hơn bằng cách xây dựng những hình mẫu phụ nữ thành đạt ở nông thôn, từ đó lan tỏa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp ở nữ giới,” bà Minh nói.
Theo bà Duangmala Phommavong, Giám đốc Công ty EXO Travel tại Lào cho biết, phụ nữ tại Lào hiện đã chủ động hơn trong tổ chức các hoạt động gia đình, hoạt động xã hội và kể cả trong kinh doanh.
Đối với khởi nghiệp, dù công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt là sự xuất hiện của công nghệ 4.0, thì tri thức cơ bản như ngoại ngữ và kỹ năng tin học vẫn là công cụ quan trọng đối với khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp ở nữ giới, bà Phommavong nhận định.
Bà Phommavong cho rằng: “Cần có tri thức để nắm bắt và sử dụng hiệu quả các công nghệ đó, biến công nghệ thành đòn bẩy để phát triển khởi nghiệp.”
Đánh giá về vai trò của phụ nữ khởi nghiệp tại các quốc gia Pháp ngữ, ông Soreasmey Ke Bin, giám đốc Công ty tư vấn khởi nghiệp Confluences Incubateurs tại Campuchia cho hay, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ngày càng nhiều có những phụ nữ ở Campuchia khởi nghiệp không chỉ lĩnh vực truyền thống như dệt may mà còn ở các lĩnh vực khác.
Nhiều nữ học sinh Campuchia đi du học nước ngoài có cách nhìn thay đổi về cuộc sống, về khởi nghiệp khi trở về nước và họ đã hài hòa được giữa công việc và gia đình, ông Ke Bin cho biết.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khởi nghiệp đóng góp nhiều lợi ích cho nền kinh tế, là động lực chính cho phát triển kinh tế và tăng năng suất lao động, tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Phó Chủ tịch VCCI cho hay, theo kết quả nghiên cứu năm 2016 tại 22.000 doanh nghiệp ở 91 quốc gia, doanh nghiệp có nhiều phụ nữ hơn đem lại mức tăng 6% lợi nhuận ròng. Doanh nghiệp có tỉ lệ phụ nữ làm chủ có khuynh hướng sử dụng nhiều lao động nữ.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội.
Tạo điều kiện cho khởi nghiệp không hề dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của cá nhân, tập thể cũng như chính phủ và các tổ chức liên quan nhằm tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp để tồn tại và phát triển, Phó Chủ tịch VCCI khuyến nghị./.90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do đâu?
Cần kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với quốc tế
Xây dựng cơ chế tài chính thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo