Đây là mục tiêu mà tỉnh Bạc Liêu đề ra tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, diễn ra chiều 10/11.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lĩnh vực kinh tế tập thể (chủ yếu là Hợp tác xã) của tỉnh Bạc Liêu có nhiều chuyển biến tích cực. Số Hợp tác xã thành lập mới trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng, đa dạng về đối tượng tham gia; quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh được tăng cường.

Hiện toàn tỉnh có 188 Hợp tác xã, tăng 132 Hợp tác xã so với thời điểm cuối năm 2001. Số thành viên Hợp tác xã hơn 24.000 người, tăng hơn 15.000 người so với thời điểm cuối năm 2001. Tổng nguồn vốn và tài sản phục vụ hoạt động của các Hợp tác xã là hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu còn có 520 Tổ hợp tác, thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia.

Nhiều mô hình Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã trong tỉnh thời gian qua hoạt động có hiệu quả, với doanh thu cao nhờ cách làm mới như: thực hiện liên kết trong cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất, thực hiện liên kết bao tiêu theo chuỗi khép kín cho thành viên và các hộ dân trong vùng, thực hiện các dịch vụ từ cung ứng nguyên vật liệu đầu vào đến khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm lúa…

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, vai trò của Hợp tác xã được thể hiện nổi bật, nhất là các Hợp tác xã nông nghiệp; Các Hợp tác xã cũng đã góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các Hợp tác xã trong tỉnh cũng đã cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Bạc Liêu hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy trong thời gian qua có không ít Hợp tác xã hoạt động cầm chừng, hoặc ngưng hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị, trong thời gian tới, cần tập trung củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể các cấp để chỉ đạo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong phối hợp xây dựng mô hình Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực địa phương, chương trình OCOP để nhân rộng, đảm bảo xây dựng Nông thôn mới bền vững. Cùng với đó là rà soát tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của Tổ hợp tác, Hợp tác xã, từ đó, có biện pháp cụ thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bạc Liêu đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 1.000 tổ hợp tác với 22.000 thành viên; 340 Hợp tác xã với 39.100 thành viên, 6 liên hiệp Hợp tác xã với 25 Hợp tác xã thành viên; số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60%-70% trên tổng số hợp tác xã toàn tỉnh; có hơn 20 Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản./.