Vào mùa vải chính vụ nên số lượng vải cung cấp ra thị trường là rất lớn. Để tiêu thụ được toàn bộ số vải này và hoàn thành mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Giang đã chủ động và có nhiều giải pháp để thực hiện tiêu thụ nông sản. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.
PV: Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng số vài thiều sớm trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ với số lượng lớn. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Ông Lê Ánh Dương: Đến giờ phút này có thể khẳng định rằng là chúng ta đã tiêu thụ được hết toàn bộ số lượng vải sớm của tỉnh với sản lượng tương đối lớn với trên 50.000 tấn vải sớm và cơ cấu thì đã xuất khẩu được 35% tiêu thụ nội địa là 65%.
Chúng tôi đánh giá đây là điểm rất tích cực trong điều kiện mà dịch bệnh. Năm nay, vải của Bắc Giang được mùa nhưng giá vải sớm thì vẫn giữ được như mọi năm, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cũng có thể coi là một thành công trong mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Tỉnh Bắc Giang đã có những giải pháp nào để tiêu thụ được vải chín sớm trong điều kiện dịch bệnh, thưa ông?
Ông Lê Ánh Dương: Ngay khi dịch bùng phát thì tỉnh đã đặt mục tiêu là không để dịch lây lan ra cộng đồng, nhất là đến vùng vải thiều. Để thực hiện được mục tiêu đó tỉnh đã có kế hoạch để bảo vệ vùng vải thiều không để dịch Covid-19 lọt vào những vùng vải. Thực hiện giải pháp đó các huyện đã lập chốt kiểm soát, lên danh sách tất cả những người có nguy cơ và đã thường xuyên tổ chức tầm soát, xét nghiệm sàng lọc, loại bỏ tất cả những nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn vùng vải.
Giải pháp thứ hai nữa, tỉnh xác định trước là năm nay có dịch bệnh nên tiêu thụ khó khăn. Chính vì vậy mà tỉnh đã có kế hoạch chủ động để xây dựng các kịch bản để tiêu thụ vải theo từng cấp độ của dịch. Đồng thời chủ động trong việc xúc tiến các kênh để xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa; đã kịp thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để chỉ đạo chung trong toàn quốc về việc tạo thuận lợi cho xe chở vải của Bắc Giang được lưu thông đến cửa khẩu cũng như đi các tỉnh; đã đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho Bắc Giang trong việc tạo sự thông thương thuận lợi thế và đặc biệt là chúng ta đã có nhiều giải pháp để chứng minh vải của Bắc Giang là có nguồn gốc xuất xứ sạch Covid-19.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành một bộ hồ sơ để chứng minh từ người trồng vải, người thu hoạch vải, người bảo quản, vận chuyển vải, chủ hàng, lái xe đều không có liên quan tới Covid-19. Bộ hồ sơ này đi qua tất cả chốt kiểm dịch khi xuất trình ra thì đều được chấp nhận và khi chúng ta xuất khẩu thì hồ sơ kèm theo hồ sơ xuất khẩu thì đều được các đối tác nước ngoài chấp nhận.
PV: Vải thiều Bắc Giang sắp vào chính vụ và sản lượng vải cung cấp ra thị trường là rất lớn. Tỉnh Bắc Giang đã có những giải pháp nào để tiêu thụ được toàn bộ số vải thiều trong mùa vụ này, thưa ông?
Ông Lê Ánh Dương: Để xúc tiến, tiêu thụ vải chính vụ chúng ta phải chủ động trong việc bảo vệ an toàn vùng vải. Thứ hai nữa là phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ vải Bắc Giang là vải toàn. Thứ ba nữa là phải chủ động trong việc thiết lập các kênh phân phối, tiêu thụ vải. Nếu dịch thế này mà chúng ta cứ ngồi chờ như mọi khi thì sẽ nhiều thương nhân không dám đến Bắc Giang. Chúng ta chủ động đi tìm thị trường, chủ động mời gọi các thương nhân chủ động tạo mọi điều kiện an toàn để thương nhân đến Bắc Giang vừa thu mua nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chúng ta sẽ mở thông được các kênh phân phối.
Tới đây còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta sẽ phải giải quyết như: vấn đề thiếu phương tiện để vận chuyển; vấn đề thiếu nhân lực thu hoạch vải, hay là vấn đề thiếu đá cây, thùng xốp, những nguyên phụ liệu để đóng vải xuất khẩu đi tiêu thụ. Trong phương thức vận chuyển nếu như đường bộ nó khó khăn thì phải mở thêm đường không, mở thêm các luồng hướng vận chuyển nữa…
Những việc này đều đã nằm trong dự liệu, dự báo của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay với từng khó khăn đó tỉnh đều đang có những giải pháp tháo gỡ để vụ vải năm nay tiêu thụ được hết cho bà con nông dân với giá chấp nhận được.
PV:Xin cảm ơn ông!./.