Các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện như giá than, khí, tỷ giá đang gây nhiều áp lực tăng giá điện trong năm 2017. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn đang xây dựng giá cơ sở năm 2017, chưa có đề xuất tăng giá điện tại thời điểm này.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng.
Theo tính toán của EVN, với việc giá than tăng khoảng 7% từ cuối năm 2016 sẽ làm đội chi phí sản xuất điện lên gần 4.600 tỷ đồng trong năm 2017, tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn cho Tập đoàn trong việc thu xếp cân đối đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất. Bên cạnh đó, khoản chênh lệch tỉ giá còn “treo” lại lên tới gần 10.000 tỉ đồng, EVN đề xuất hạch toán vào giá điện trong thời gian tới.
Trong khi đó, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn.
Theo các chuyên gia, giá điện đứng trước nhiều áp lực tăng. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần cân nhắc, xem xét kỹ các phương án tăng giá điện cũng như thời điểm tăng giá để tránh tác động tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp.
Ông Long nói: “Năm 2016, giá điện không tăng. Trong khi đó, năm nay giá điện năm nay đang đứng trước nhiều áp lực. Các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện như giá than, khí, biến động về tỷ giá, điệp khúc bù lỗ đều là lý do được EVN nêu ra trước áp lực tăng giá điện. Chúng ta cần phải công khai minh bạch các yếu tố đầu vào, đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý cũng như mức độ tăng bao nhiêu để không tác động lớn đến nền kinh tế”.
Bộ Công Thương vừa yêu cầu EVN xây dựng giá cơ sở năm 2017, sau đó sẽ thẩm định giá. Nếu có biến động của yếu tố đầu vào tăng hơn 7% mới xem xét điều chỉnh giá điện./.
Giá điện năm 2017 sẽ không gây bức xúc?
Giảm phí BOT, giữ nguyên giá điện trong 2 tháng cuối năm