Theo Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Việt Nam dự kiến từ ngày 25/2/2016.

Theo quy trình thủ tục điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm tra các tài liệu, nội dung, số liệu mà doanh nghiệp đã cung cấp cho DGAD thông qua các bản trả lời câu hỏi trước đây nhằm xác nhận tính chính xác của dữ liệu này.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cung cấp thêm những thông tin nhằm giải trình, làm rõ hơn cho phía cơ quan điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp và đây cũng là cơ hội để điều chỉnh những lỗi sai của mình trong các bản trả lời (các lỗi sai về đánh máy, nhập liệu,…)

mdf_472_ctmv.jpg
Ấn Độ thẩm tra chống bán phá giá sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Việt Nam. (Ảnh: VCA)
Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá mà Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý trước đây, kết quả cuối cùng của vụ việc phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của đợt thẩm tra tại chỗ vì sau giai đoạn này các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó có thêm cơ hội để giải trình về hoạt động của công ty hay đưa ra các điều chỉnh về số liệu của mình.

Do đó, để đạt được kết quả tốt và có lợi nhất, các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu MDF của Việt Nam tham gia trong đợt thẩm tra tại chỗ này cần phối hợp đầy đủ và chặt chẽ với cơ quan điều tra của Ấn Độ, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và cung cấp đầy đủ các tài liệu mà phía DGAD yêu cầu trong suốt quá trình điều tra.

Nếu không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, DGAD có thể kết luận các doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan điều tra dẫn đến khả năng sử dụng những dữ liệu sẵn có không có lợi khi đưa ra báo cáo kết quả vụ việc.

Trước đó, Công ty Greenply Industries Ltd và Công ty Mangalam Timber Products Ltd., đã đứng làm nguyên kiến nghị DGAD điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm MDF mã HS 4411 nhập khẩu từ Việt Nam. DGAD đã khởi xướng điều tra vụ việc từ ngày 7/5/2015 trong giai đoạn từ ngày 1/10/2013 – 30/9/2014 cũng như xác định định thiệt hại từ ngày 1/4/2011 – 30/9/2013.

Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tấm MDF của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 28.800 tấn (trị giá khoảng 13 triệu USD) – xếp thứ 2 trong các quốc gia xuất khẩu sang Ấn Độ.

Điều trần rà soát cuối kỳ chống bán phá giá thép cuộn cán nguội

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, ngày 2/2, Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) gửi Bản thông tin về các dữ liệu quan trọng và thông báo tổ chức phiên điều trần liên quan đến vụ việc rà soát cuối kỳ về chống bán phá giá thép cuộn cán nguội (CRC/S) nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo KADI, phiên điều trần sẽ bắt đầu từ 10h – 12h (giờ Jakarta), Thứ hai ngày 15/2/2016, tại Dahlia Room, Building I – Ground Floor, Ministry of Trade - JI.M.I. Ridwan Rais No.5 Central Jakarta, Indonesia.

Indonesia rà soát cuối kỳ về chống bán phá giá thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. (Ảnh: VCA)
Mục đích của phiên điều trần là cơ hội để cho các bên liên quan trực tiếp nêu lên các quan điểm, lập luận liên quan đến vụ việc này. Bản đệ trình dưới dạng mật và không bảo mật liên quan đến Bản thông tin về các dữ liệu quan trọng cần gửi đến KADI trước ngày 11/2/2016.

Mọi ý kiến trình bày tại phiên điều trần tham gia phải được gửi cho KADI trước ngày 11/2/2016. Danh sách thành phần tham gia phiên điều trần phải được gửi cho KADI trước ngày 9/2/2016. KADI cũng lưu ý chỉ những đại biểu đã đăng ký tham gia mới được tham dự phiên điều trần.

KADI đã khởi xướng điều tra vụ việc ban đầu vào năm 2011 và ra quyết định áp thuế vào năm 2013 với mức thuế dành cho doanh nghiệp Việt Nam là từ 12,3% - 27,8%. Ngày 4/9/2015, KADI đã khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ vụ việc này./.