Ấn Độ đã bãi bỏ quy định buộc thương nhân tái xuất 20% lượng vàng nhập khẩu, còn gọi là quy định 80:20, trong một động thái đầy ngạc nhiên hôm 28/11. Động thái này được đưa ra nhằm giảm nạn buôn lậu vàng và tăng lượng vàng nhập khẩu chính ngạch của nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới này. Cùng với mức thuế kỷ lục 10%, Ấn Độ đã áp dụng quy định 80:20 trong năm 2013 nhằm hạn chế nhập khẩu vàng và thu hẹp thâm hụt ngân sách lên cao kỷ lục.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) hôm thứ Sáu 28/11 cho biết, chính phủ nước này đã quyết định bãi bỏ quy định 80:20 và giảm một số hạn chế về nhập khẩu vàng. Chỉ vài ngày trước đó, thông điệp phát ra từ các cuộc hội đàm giữa RBI và Bộ Tài chính Ấn Độ là sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu sau khi nhập khẩu vàng của Ấn Độ tăng mạnh trong những tháng qua.
Theo giới thương nhân, trước khi có quyết định hôm thứ Sáu của chính phủ Ấn Độ, nhập khẩu vàng của nước này trong tháng 11 có thể lên 100 tấn khi thương nhân lo ngại các biện pháp hạn chế nhập khẩu, nhất là khi mùa cưới đang đến. Nhưng động thái bãi bỏ quy định 80:20 của chính phủ đã khiến nhiều người, kể cả quan chức, ngạc nhiên.
Theo một nhà hoạch định chính sách, hồi 18h30 giờ địa phương hôm thứ Sáu 28/11, chính phủ Ấn Độ đã chỉ đạo RBI ngay lập tức thay đổi quy định về nhập khẩu vàng. Và 2 giờ sau đó, thông báo chính thức được đăng trên website của RBI. Sự thay đổi này đã phần nào giảm bớt khó khăn cho các nhà chế tác vốn đang gặp khó khăn tìm nguồn vàng trong mùa lễ hội và mùa cưới bắt đầu từ tháng 10.
Bachhraj Bamalwa, giám đốc Liên đoàn Thương mại Đá quý và Trang sức Toàn Ấn, cho biết, quy định 80:20 không chỉ làm gia tăng tình trạng buôn lậu mà còn bị nhiều thương nhân lạm dụng. Sau việc bãi bỏ quy định này, chính phủ Ấn Độ có thể áp dụng hạn ngạch nhập khẩu theo tháng hoặc theo năm đối với thương nhân, Sudheesh Nambiath, nhà phân tích cao cấp tại Thomson Reuters GFMS cho biết./.