“Diễn đàn này sẽ phản ánh tốt hơn những nhu cầu của Việt Nam với tư cách là một nước thu nhập trung bình và đồng thời cũng phản ánh thực tế phát triển của quan hệ đối tác giữa chúng ta. Đây là một tiến trình tất yếu sau nhiều năm tổ chức CG”.
Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh chính thức công bố tại họp báo kết thúc Hội nghị CG diễn ra chiều nay (10/12). Tại đây, đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và các đối tác khác đã trả lời các câu hỏi của báo chí.
Trả lời câu hỏi của VOV online về những băn khoăn lớn nhất được các nhà tài trợ đưa ra tại kỳ họp này đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết:
Các nhà tài trợ băn khoăn về việc sử dụng, quản lý vốn ODA của Việt Nam liên quan đến giải ngân đúng tiến độ để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ. Đây là vấn đề mà các nhà tài trợ với các Bộ, địa phương thường xuyên mắc phải. Nguyên nhân do vốn đối ứng của ta khi ký cam kết thì các Bộ, ngành, địa phương thường ký trong phần vốn đối ứng là sẽ đảm bảo nhưng thực tế các địa phương, bộ lại không căn cứ vào khả năng của mình mà trông chờ cấp trên. Thực tế, Nghị định 131 đã qui định đơn vị ký phải tính toán kỹ khả năng về vốn của mình.
Vướng mắc thứ hai là giải phóng mặt bằng dự án, nhất là các dự án qui mô lớn như đường, cầu… rất chậm, lâu.
Ngoài ra, năng lực và tính chuyên nghiệp của Ban quản lý dự án ODA rất nhiều phiền toái, mắc mớ với nhau; từ khâu tiền khả thi đã không chuyên nghiệp, trao đổi không chặt chẽ, điều chỉnh, phát sinh nhiều dẫn đến những vướng mắc. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ để không có tham nhũng, tham ô, thất thoát xảy ra. “Đây là 4 công việc chính phải giải quyết. Tin rằng, năm 2013 sẽ tăng giải ngân ODA, năm 2012 đã cao hơn 2011 rồi” – Bộ trưởng nói.
PV: Theo đánh giá của Bộ trưởng, thành công lớn nhất của kỳ họp này là gì?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Kỳ họp này là nơi để tranh luận, phản hồi, tham vấn của quốc tế với Việt Nam. Tại kỳ họp này, các vấn đề về tình hình kinh tế, chính sách kinh tế, trong đó có tái cơ cấu NH, cải cách cơ cấu kinh tế… đã được đưa ra thảo luận, tham vấn. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, không chỉ tại diễn đàn này mà bên ngoài diễn đàn các nhà tài trợ đã gặp và trao đổi nhiều với các Bộ, ngành, Chính phủ Việt Nam. Toát lên kỳ CG lần này, trước hết là tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đã đưa ra nhiều khuyến nghị về đất đai, lao động để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Các nội dung này đã được chuyển đến Chính phủ. Nếu không như hiện nay môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan…
Hội nghị hôm nay có nhiều đóng góp về vấn đề giáo dục, nhân lực, tái cấu trúc nền kinh tế… tạo chia sẻ, hiểu biết giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với đối tác phát triển, chia sẻ hơn, tin tưởng nhau hơn.
PV: Việc thay đổi cách thức tổ chức CG sang năm tới có liên quan nhiều đến việc Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình hay vì lý do nào khác, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc thay đổi nội dung, hình thức CG không hẳn chỉ vì Việt Nam trở thành nước có TNTB. Điều này chỉ liên quan đến các khoản vay ưu đãi giảm đi, tỷ trọng vốn thương mại cao lên. Các nước tài trợ có nguyên tắc rõ ràng, các nước nhận tài trợ đã vượt qua khó khăn thì phải dành phần vốn ưu đãi đó cho nước khác. Việc chúng ta đàm phán tăng ODA là để cho giai đoạn chuyển tiếp này.
Có thời gian dài, chúng ta coi CG là nơi công bố nhiều tiền viện trợ. Công bố này rất quan trọng nhưng các nhà tài trợ cho rằng chuyện này là không cần thiết. Vì việc thảo luận các dự án, vốn tài trợ phải kéo dài cả năm. CG sẽ dành thời gian nhiều hơn cho đối thoại vấn đề quan trọng, vấn đề lớn như chính sách tiền tệ, vì thế cần tập trung trí tuệ theo chuyên đề… Nói chuyển đổi nhưng không quá nhấn mạnh ODA nữa.
PV: Vốn ODA cam kết năm nay giảm gần 900 triệu so năm ngoái do bối cảnh chung của thế giới là khó khăn. Việt Nam sẽ dành nguồn vốn này tập trung vào vấn đề nào?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Đúng là trong bối cảnh hiện nay, các nhà tài trợ cam kết gần 6,5 tỷ USD, giảm so với năm ngoái. Nhưng rõ ràng, năm nay khó khăn hơn nhiều nhưng mức giảm rất ít so với năm ngoái. Đấy là điều mà Chính phủ Việt Nam đánh giá cao.
Ở đây có khoảng 25 quốc gia, tổ chức quốc tế lớn tài trợ. Đối với 25 quốc gia thì có 25 tiêu chí khác nhau để viện trợ ODA, có quốc gia quan tâm đến vấn đề như dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo, y tế… Mỗi quốc gia, tổ chức quốc tế có tiêu chí xét cấp ODA riêng cho Việt Nam. Họ bàn bạc với Việt Nam để định hướng đưa vào lĩnh vực nào. Không phải đưa một “cục” rồi Việt Nam muốn làm gì thì làm.
Ví dụ, Nhật Bản cung cấp 2,6 tỷ USD nhưng họ định hướng vào từng dự án cụ thể. Ngoại trừ một số trường hợp như biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo… họ thấy Chính phủ Việt Nam thực hiện hiệu quả nên có một phần hòa vào ngân sách nhưng số này không nhiều.
Nhìn tổng thể, ODA tập trung chủ yếu vào kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu.
PV: Liên quan đến vốn đối ứng của Việt Nam, trong khi năm 2013 cắt giảm đầu tư công, Vậy huy động các nguồn vốn như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Để giải ngân đúng là bài toán khó. Nhưng với quyết tâm thì năm 2012 Chính phủ Việt Nam đã ứng thêm cho các dự án ODA 5.000 tỷ USD cho vốn đối ứng. Từ năm 2013 trở đi vốn rất hạn hẹp. Nhưng những năm tiếp theo, Thủ tướng đưa ra nguyên tắc, trong các ưu tiên thì cho ODA là hàng đầu. Chính phủ sẽ cấp một số vốn cho các Bộ, địa phương, còn danh mục các đơn vị này phải trình lên Chính phủ, trong đó có phần đối ứng ODA.
Ngoài ra, Chính phủ kêu gọi các nguồn khác, như PPP, Nhà nước sử dụng nguồn ngân sách hạn hẹp của mình để gọi vốn đối ứng. Ví dụ tư nhân Nhật Bản có thể tham gia vào một số dự án.
PV: Trong năm 2013, các nhà tài trợ có giải pháp gì giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ giải ngân?
Bà Victoria Kwawa: Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã giải thích khá đầy đủ về các vấn đề liên quan đến hiệu quả giải ngân. Về phía WB, chúng tôi đang thúc đẩy các dự án cung cấp vốn cho Việt Nam và áp dụng hệ thống giám sát. Cơ chế giám sát để phát hiện các vấn đề để ngăn chặn. Ngoài ra, giải quyết các dự án có vấn đề, trao đổi trực tiếp với Bộ Kế hoạch –Đầu tư và các cấp vụ phụ trách. Đề cao tính trách nhiệm trong sử dụng vốn ODA. Tập trung xây dựng năng lực quản lý tài chính cho dự án./.