Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nêu khái quát các thách thức của kinh tế trong nước và thế giới, những thành tựu Việt Nam đạt được trong năm qua.

Đối với quan hệ hợp tác phát triển, Chính phủ phấn đấu đẩy mạnh hiệu quả và giải ngân nguồn vốn ODA tương xứng với tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với sự phát triển của đất nước.

Kết quả giải ngân năm 2012 chính là những thành tựu bước đầu của những nỗ lực này.

Năm 2013 dự báo vẫn là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia viện trợ. Chính phủ Việt Nam hiểu rằng các nhà tài trợ cũng phải rất khó khăn trong việc cân nhắc phân bổ nguồn tài trợ này trong khuôn khổ ngân sách ngày càng chặt chẽ. Việt Nam mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục quan tâm tới Việt Nam vì đây vẫn sẽ là một nguồn vốn quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để cải thiện tình hình thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, cải thiện phương thức đối thoại sao cho hiệu quả hơn” – Bộ trưởng Vinh nói.

Cũng tại phiên khai mạc, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwawa chúc mừng những kết quả kinh tế vĩ mô Việt Nam đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong xu hướng tăng trưởng chậm chứng tỏ, Việt Nam đang gặp khó khăn, hạn chế về cơ cấu kinh tế dẫn tới hạn chế sức cạnh tranh. Điều cần làm bây giờ là một quyết tâm, cam kết mạnh mẽ, đặc biệt là việc xây dựng lòng tin vào những nỗ lực và hành động vừa qua của Chính phủ. Nếu không có sự phát triển mạnh mẽ Việt Nam sẽ dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Chúng tôi tiếp tục ủng hộ Chính phủ Việt Nam bằng các chính sách cụ thể. Giai đoạn hiện nay phải chuyển đổi từ các chính sách sang hành động cụ thể. Theo đó, cần phải có các nguồn lực và các nhà tài trợ sẽ cùng cam kết nguồn lực đó” – Bà Kwawa nói.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, theo đại diện của WB, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động bằng việc củng cố, tăng cường cho hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học; giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn lực đất đai (tăng cường quyền sử dụng đất đai cho nhóm người yếu thế, tạo qui định rõ ràng hơn về quản lý, đền bù, mua bán đất… giới hạn những trường hợp thu hồi đất đai bắt buộc…).

Cũng theo bà Kwawa, vai trò huy động ODA ở CG không còn phù hợp mà cần một nền tảng để đối thoại. Nét mới của Hội nghị lần này là có thêm các đối tác là các tổ chức dân sự xã hội.

Chia sẻ ý kiến về phát triển kinh tế Việt Nam tại diễn đàn này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki cho rằng, để hiện thực hóa tăng trưởng bền vững, Việt Nam được mong chờ sẽ đồng thời thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Với quan điểm này, Đại sứ Nhật Bản nêu ra 3 thách thức mà Việt Nam cần giải quyết.

Thứ nhất, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước láng giềng ngày càng gia tăng, Việt Nam cần chọn ra các ngành công nghiệp chiến lược có nhiều tiềm năng giúp tăng cường giá trị gia tăng và tính cạnh tranh, phân bổ các ngânồn lực một cách tập trung để đẩy mạnh dòng vốn FDI vào Việt Nam và đẩy mạnh hiệu ứng lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước trong các ngành công nghiệp chiến lược này.

Thứ hai, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, chúng tôi đặc biệt mong đợi có nều sáng kiến hơn nữa từ các cơ quan Nhà nước của Chính phủ Việt Nam nhằm nắm bắt đầy đủ những nhu cầu và khó khăn của các DN và phản ánh một cách kịp thời vào các chính sách.

Cuối cùng, Việt Nam cần sử dụng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA một cách hiệu quả và chiến lược hơn nữa để đáp ứng những yêu cầu tài chính qui mô lớn của đất nước mình. Đáp lại, Nhật Bản sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng.

Theo chương trình làm việc, cuối phiên làm việc sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có phát biểu tại Hội nghị./.