Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, 6 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra hơn 87.000 vụ, phát hiện xử lý hơn 54.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 333 tỷ đồng. Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp.

1_sxic.jpg
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa (Ảnh minh họa: KT)
Đáng chú ý buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát, sản phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm… Phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Hàng hóa được cất giấu ngụy trang rất khó phát hiện. Một số đối tượng sử dụng hệ thống hầm thủy lực, khóa điện tử để đối phó với cơ quan chức năng.

Tại hội nghị, đại diện chi cục quản lý thị trường ở các địa phương cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các điểm tập kết kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra kiểm soát về giá, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ ép giá, gây bất ổn thị trường.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, pháp lệnh Quản lý thị trường vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ tháng 9 tới, trong đó quy định rõ vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp… Đây là một dấu mốc quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thị trường:

“Hiện nay cục quản lý thị trường đang là đầu mối để soạn thảo các văn bản hướng dẫn để pháp lệnh đi vào cuộc sống. Pháp lệnh quản lý thị trường đầu tiên công nhận địa vị pháp lý của quản lý thị trường trên toàn quốc. Trong pháp lệnh có những điều kiện hết sức quan trọng. Nếu thực hiện đúng các quy định tại pháp lệnh Quản lý thị trường thì sẽ giúp nâng cao hiệu quả chống buôn lậu và gian lận thương mại”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định./.