Sau thời gian dài giãn cách, cách ly ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội, bởi diễn biến dịch biến bất thường, khó lường với nhiều chủng virus mới, thì mới đây, sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và thành phố Hà Nội trong việc phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có việc xét nghiệm diện rộng và tiêm bao phủ vacccine toàn thành phố, Hà Nội đang từng bước trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Sau gần 2 năm chống dịch thì có lẽ đến bây giờ, không ai không biết về cơ chế lây lan chóng mặt của loại dịch bệnh này. Các bài học xương máu về sự lây nhiễm của dịch Covid-19 không chỉ trên thế giới mà cả trong nước chủ yếu cũng từ những đám đông, từ sự chủ quan của con người. Còn nhớ, ổ dịch bùng phát ở nhà thờ Tân Thiên Địa (Hàn Quốc) hay một số nơi khác cũng từ nguyên nhân tiếp xúc, tụ tập đông người mà không tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch.

Trong thời gian qua, trước diễn biến của đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều quốc gia đã ghi nhận các kỷ lục mới về số người mắc, số người tử vong nên phải tái áp dụng lệnh phong tỏa, giãn cách. Điển hình như ở Pháp, trong làm sóng thứ 3 của dịch, đã phải phong tỏa trở lại 1/3 dân số cả nước. Nhiều thành phố ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Mỹ, Australia… đã phải công bố tái phong tỏa vì lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Còn ở Israel, sau một thời gian ngắn nới lỏng, Chính phủ nước này gần đây đã phải siết chặt lại các biện pháp kiểm soát, như hạn chế số lượng và đối tượng tham gia các sự kiện đông người. Đáng lưu ý, nước này có tỷ lệ tiêm vaccine đạt mức rất cao, thậm chí nhiều người dân đã được tiêm mũi 3.

Trong 2 năm qua, Việt Nam cũng đã phải trải qua qua nhiều đợt dịch. Trong các đợt dịch trước, chúng ta đã có những giai đoạn không có F0. Nhưng với diễn biến phức tạp của các chủng virus mới lần này, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải rất vất vả chống dịch.

Trong thời gian dài vừa qua, phần lớn nguồn lực đều dành cho chống dịch với quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ “sức khoẻ và tính mạng của người dân là trên hết, thậm chí chấp nhận thiệt hại về kinh tế”. Và thực tế, chúng ta đã hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến chống dịch, không chỉ về kinh tế.

Và tại thời điểm hiện tại, khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến, nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận kịch bản "Covid-19 không thể bị xóa sổ". Đại diện Tổ chức y tế Thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia trên thế giới thừa nhận, SARS-CoV-2 sẽ tồn tại cùng chúng ta và sẽ biến đổi giống như virus gây ra đại dịch cúm. Chúng ta sẽ không loại bỏ hoặc xóa sổ virus. Điều này rất khó xảy ra.

Còn tại Việt Nam, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cũng nhấn mạnh, phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh “phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.

Để chuẩn bị cho người dân từng bước trở lại cuộc sống “bình thường mới”, Chính phủ đã và đang bằng nhiều biện pháp hỗ trợ người dân trong việc phòng, chống dịch bằng các gói hỗ trợ, kiên quyết đẩy nhanh mục tiêu tiêm phòng toàn dân… Trong bối cảnh khan hiếm vaccine Covid-19 trên toàn cầu nhưng Chính phủ luôn quan tâm, nỗ lực vận động chính phủ các nước và các hãng sản xuất bán vaccine và đẩy sớm thời gian chuyển giao vaccine cho nước ta. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa vì mục tiêu có vaccine Covid-19 sản xuất trong nước sớm nhất.

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, của các ngành các cấp thì ý thức của người dân luôn là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Trong các đợt dịch bùng phát, thực tế ở nhiều nơi đã cho thấy, nơi nào người dân người dân tự giác thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch thì dịch bệnh được hạn chế, đẩy lùi và ngược lại.

Nhưng, mới hôm qua, ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách thì trong đêm Trung Thu, nhiều khu vực ở trung tâm ở Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, Hàng Mã, đường Thanh Niên... dòng người ùn ùn đổ về đi dạo, chơi Tết Trung thu bất chấp quy định về phòng chống dịch, khiến nhiều đoạn đường trở nên ùn tắc trong nhiều giờ.

Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với số ca mắc trong nước mỗi ngày khoảng 10.000 người và hàng trăm người tử vong, các quy định về phòng chống dịch chỉ mới được “nới lỏng” chứ chưa hoàn toàn được “gỡ bỏ”, thì những người phải “ra đường” trong đêm hôm qua có thực sự cần thiết? Ra đường chỉ để “giải tỏa” sau gần 2 tháng giãn cách, phong tỏa? Ra đường là vì cho rằng đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 hay vì lý do nào khác?

Theo các chuyên gia y tế, trong cộng đồng khả năng cao vẫn còn những ca nhiễm bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng và vẫn có thể lây cho người khác. Biến chủng delta và biến chủng từ châu Phi đã vô hiệu hóa tất cả các loại vaccine Covid-19 hiện có. Chúng ta có tiêm thì cũng chỉ giảm tử vong, bệnh nhẹ đi, chứ không phải giảm được nguy cơ bùng phát dịch. Vì thế, biện pháp 5K vẫn phải được duy trì kể cả khi phần lớn người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ và dịch bệnh đã được đẩy lùi.

Thực tế thời gian cho thấy, có nhiều ca mắc và tử vong do Covid-19 đã được tiêm phòng mũi 1, thậm chí là mũi 2. Vì thế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, rất cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả người dân.

Mỗi người dân phải tự ý thức được việc phòng chống dịch bằng những hành động rất nhỏ ai cũng có thể dễ dàng thực hiện là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Và chỉ có như vậy, mọi nỗ lực, hy sinh của Chính phủ, các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương mới không trở nên vô nghĩa./.