Tục truyền rằng: Gội đầu ngày Tết của đồng bào Thái  gắn với truyền thuyết Nàng Han, một vị nữ tướng, con gái của một tộc trưởng đóng giả trai cầm quân đánh giặc ngoại xâm, đuổi đến tận bờ cõi Mường Xo (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết, buổi chiều ngày đó, Nàng Han ban lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới.

0_xwkc.jpg
Hình ảnh người phụ nữ Thái gội đầu bên bờ suối - Ảnh:KT
Từ đó đến nay, người Thái vùng sông nước Quỳnh Nhai, (Sơn La); Mường Lay, (Điện Biên); Mường Xo, Mường Tè (Lai Châu) và một số vùng khác vẫn còn lưu lại phong tục này, đó là lễ “Lung Ta” (xuống bến nước làm lễ gội đầu) để tưởng nhớ bà và cũng để mừng năm mới, ăn Tết vui vẻ.

Sau bữa cơm tất niên trưa 30 tết, từ già, trẻ, trai, gái cả bản đều  ra sông, suối để gội đầu. Ông chủ nhà đem theo kiếm và “Thung Xanh” (có nghĩa là túi thổ cẩm đựng bùa hộ mệnh và vật thiêng - theo quan niệm của người Thái). Đàn bà thì mang theo chậu nước gạo hoặc bồ kết để gội đầu. Ngoài ra, không thể thiếu người đánh trống, đánh chiêng báo hiệu một mùa xuân mới  đến với bản mường.

Theo truyền thống của đồng bào Thái, mỗi bản đều có bến nước riêng và quy định đàn ông tắm bến trên, đàn bà tắm bến dưới. Họ từ từ cúi đầu xỏa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên mái tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ cùng với nước bồ kết được xối từ từ, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi.

Bà Lò Thị Phái, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu cho biết:“ Theo phong tục người Thái phải gội đầu tết. Vào chiều 30 tết cả bản “ lúng ta” gội đầu ngày tết để xua đi những rủi ro, điều không may của năm cũ. Cầu mong năm mới tốt lành".

Sau khi tắm gội, bà con ai cũng chọn lấy cát chỗ sạch nhất về nhà để thay bát hương cho năm mới. Tắm gội sạch sẽ rồi, người đàn ông là trụ cột trong gia đình mới được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để thắp hương.

Chị em thì làm các món ẩm thực, bánh trái truyền thống, trang trí nhà cửa, chuẩn bị quần áo mới cho cả gia đình. Các chàng trai, cô gái bên mái nhà sàn khâu những quả còn đủ sắc mầu rực rỡ, làm các trò chơi dân gian và tiếng trống múa xoè bắt đầu vang lên.

Ông Điêu Chính Ké, ở phường Tân Phong, thành phố Lai Châu chia sẻ: “Theo quan niệm của người Thái gội đầu ngày tết là phải có nước gạo, với bồ kết. Sau khi tắm gội tống tiễn tai ương, xua đi những rủi do bệnh tật của năm cũ, rửa trôi theo dòng nước đi mãi không lặp lại thì mới được dọn bàn thờ chuẩn bị các đổ lễ cúng tổ tiên như: Lợn, gà, hoa quả và các loại bánh truyền thống ngày tết…”

Tục gội đầu ngày Tết giờ vẫn tồn tại trong mỗi gia đình người Thái. Và nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người Thái coi trọng và gìn giữ./.