Trong 24 giờ qua tại tỉnh Gia Lai có mưa vừa đến mưa to, có nơi rất to. Cùng với đó, các hồ thủy điện, thủy lợi tiến hành xả lũ đã khiến mực nước trên các con sông của địa bàn tăng rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân sống ven sông. Đáng chú ý là theo thông tin từ một số huyện, việc xả lũ trên các hồ chứa không tiến hành báo cho địa phương khiến chính quyền và ngành chức năng bị động.

Tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) tính đến 15h chiều 3/10, mức nước trên sông Ba, đoạn cầu Bến Mộng đã trên mức báo động 3, cách báo động khẩn cấp 80cm. Nước sông Ba liên tục dâng nhanh làm nhiều ngôi nhà và hoa màu của các hộ dân sông ven sông thuộc buôn Ama Hinh và buôn Ma Kanik, phường Sông Bờ bị ngập nước.

Tại chân cầu Bến Mộng, Ban chỉ huy quân sự thị xã Ayun Pa đã điều động 20 chiến sĩ cùng 2 chiếc ca nô túc trực để kịp thời ứng cứu, vận động và giúp các hộ dân trong khu vực thu dọn đồ đạc, nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn.

hinh-(1).jpg
Ban chỉ huy Quân sự thị xã Ayun Pa điều động ca nô túc trực ngay chân cầu Bến Mộng để sẵn sàng ứng cứu.

Ban phòng chống lụt bão thị xã Ayun Pa với lực lượng hơn 80 người đang tiến hành di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm ven sông và đến 16h chiều 3/10 đã di dời được gần 20 hộ dân đến nơi an toàn. Đáng lưu ý là các hồ thủy điện, thủy lợi trong khu vực tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ khiến mực nước trên các sông suối qua thị xã Ayun Pa tiếp tục tăng nhanh.

Ông Hồ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa đang trực tiếp tham gia công tác di dời dân ven sông ra vùng an toàn cho biết: “Trước đó thủy điện An Khê – Ka Nak  xả lũ nhưng không thông báo và Ban phòng chống lụt bão của thị xã đã phải gọi điện để hỏi lượng xả. Nước lũ dâng lên khiền hầu hết lực lượng của các xã phường, Ban phòng chống lụt bão của thị xã với khoảng 20 người đều được cử xuống tăng cường các xã phường chỉ đạo, tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân từ vùng trũng lên”.

Mực nước sông Ba đoạn chảy qua cầu Bến Mộng đã trên mức báo động 3.

Còn tại huyện Krông Pa, vùng hạ lưu của Sông Ba mực nước tiếp tục tăng nhanh. Ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết, việc xả lũ phía thượng nguồn mà trực tiếp là hồ thủy điện An Khê – Ka Nak cũng không tiến hành thông báo khiến địa phương bị động. Việc xả lũ này khiến nước sông Ba bất ngờ dâng cao trong sáng 3/10.

Khi phát hiện nước lũ dâng cao bất thường, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Krông Pa đã chỉ đạo toàn bộ các thuyền, đò phục vụ chở người qua sông Ba phải ngưng hoạt đông. Hiện công tác di dời người dân sống ven sông Ba, nhất là tại các điểm xung yếu ở hai xã Chư Rcăm và Ia Rsai đang được tiến hành.

Thủy điện An Khê – Ka Nak xả lũ nhưng không báo, nước sông Ba liên tục dâng nhanh làm nhiều ngôi nhà và hoa màu của các hộ dân.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên, trong 24h tới, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới trên biển đông, các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi rất to. Trong đó, nguy hiểm nhất là khu vực phía Đông và Đông Nam của tỉnh Gia Lai gồm các huyện thuộc vùng hạ nguồn của sông Ba như Kong Chro, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa, mực nước sẽ tiếp tục dâng cao trên báo động 3. Cùng với việc các hồ thủy điện, thủy lợi tiếp tục tiến hành xả lũ, sẽ có rất nhiều hộ dân sống ven sông sống trong tình trạng nguy hiểm.

Từ cơn bão số 8 đến nay, người dân khu vực Tây Nguyên đã hứng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ nhưng không tiến hành thông báo cho địa phương.

Hiện, người dân khu vực phía Đông và Đông Nam của tỉnh Gia Lai tiếp tục phải đối mặt với nước lũ từ thượng nguồn xả về nhưng không được báo trước. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng  nhiều hồ chứa trong khu vực đang xem thường tính mạng và tài sản của người dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý tới đâu?./.