Theo thống kê của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, số người mắc các bệnh: hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, đái tháo đường nhập viện liên tục tăng. Đến nay, trung bình mỗi ngày có 100 trường hợp nhập viện cấp cứu, tăng khoảng 20-30% so với thời điểm trước Tết, nhiều nhất là những trường hợp mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, đường huyết, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...

kham-benh-1.jpg
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong 3 ngày thời tiết lạnh đột ngột, số trẻ tiêu hóa nhập viện đã tăng lên đến 150-170 trường hợp. Trẻ nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp. Trong đó, nhiều trường hợp trong tình trạng viêm phổi nặng do lạnh và ho kéo dài. Chị Nguyễn Bảo Trâm có cháu gái 1 tuổi bị viêm phổi đang điều trị tại khoa Nhi cho biết: “Tôi đưa cháu vào viện cấp cứu hôm mùng 4 Tết. Cháu có triệu chứng ho và sốt nên tôi cho cháu đi khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi cấp, giờ cũng đỡ nhiều. Rút kinh nghiệm, sau khi về nhà, tôi chỉ cho cháu ở trong nhà giữ ấm, không ra ngoài đường nữa. Mấy hôm tết, gia đình đưa cháu đi chơi nhiều nên cháu bị lạnh”.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động mạnh của thời tiết khắc nghiệt. Những bệnh nhi có biến chứng nặng thường gặp ở các cháu dưới 1 tuổi. Cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ nhưng cũng nên tránh trường hợp trẻ mặc quá ấm khiến mồ hôi toát ra rồi ngấm ngược vào trong, khiến trẻ bị lạnh trong và sốt; đồng thời đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: “Các cha mẹ nên theo dõi các cháu ở nhà trước, nếu các cháu chỉ sốt không thôi mà vẫn ăn chơi bình thường hoặc sau cơn sốt cháu vẫn đi lại bình thường, không có các triệu chứng gì khác thì cứ theo dõi nhiệt độ. Nếu thấy nhiệt độ ở nách từ 38,5 độ trở lên thì nên cho uống thuốc hạ sốt là paracetamol hoặc efferagan. Nếu các cháu bị ho, phải theo dõi xem các cháu có khó thở không, nếu chỉ ho đơn thuần không sốt, hoặc sốt nhẹ thì chúng ta nên theo dõi và có thể sử dụng thuốc ho tại nhà là mật ong, chanh, quất.. cho uống. Chỉ nên đi khám nếu thấy các cháu thở khó khăn, thở khác thường, thở nhanh, thở gấp hoặc có những biến chứng khác”.

Bác sĩ Toàn khám cho bệnh nhân vào cấp cứu ở Viện Lão khoa Trung ương

Trời rét đậm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người già. Bác sĩ Ngô Trọng Toàn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Lão khoa Trung ương, cho biết, mỗi ngày, số bệnh nhân đến khám tăng thêm 10-15 ca so với ngày thường, trong đó chủ yếu bệnh nhân bị viêm phổi.

“Con cháu cần quan tâm tới bố mẹ, ông bà nhiều hơn, ăn uống dinh dưỡng tốt hơn, giữ ấm cho người già, nhất là môi trường không khí ấm để người già hít thở. Làm như vậy sẽ hạn chế được bệnh lý hô hấp. Con cháu cũng cần phát hiện những triệu chứng ban đầu như thở bất thường, khó thở, sốt, ho đờm thì nên mời bác sĩ khám tại nhà và cho toa thuốc sớm”, bác sĩ khuyến cáo.

Dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, miền Bắc tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống rất thấp vào đêm và sáng sớm. Do vậy, việc giữ sức khỏe của người dân là rất cần thiết, nhất là với người già và trẻ em. Trong đó, yếu tố quan trọng là đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể./.