Chiều nay (2/10), Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đang có mặt tại tỉnh Nghệ An trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ và kiểm tra các hồ đập. Trước đó, Đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Thanh Hóa. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác khắc phục mưa lũ tại Thanh Hóa và Nghệ An?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng:Hiện nay, 2 điểm bị ảnh hưởng lớn nhất của mưa lũ là huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Chiều tối 1/10, do mưa lớn trên diện rộng. Mưa kết hợp với việc xả lũ của một số hồ nên các điểm còn ngập rất nặng.

Trước cơn bão, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo tốt việc sơ tán dân ở vùng nguy hiểm, chằng chống nhà cửa. Tuy nhiên, mưa lớn, nước đổ về nhanh nên ảnh hưởng về tài sản tương đối nhiều. Hiện nước rút hết, chúng tôi đến kiểm tra tình hình, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, lực lượng thanh niên cũng đang giúp nhân dân dọn nhà cửa, phơi phóng đồ đạc. Tôi thấy tình hình khắc phục tương đối nhanh.

anh-lu-quynh-luu.jpg
Mưa lớn cùng với việc xả lũ với cường độ lớn khiến nhiều nơi bị ngập sâu (Ảnh:Đăng Quang)

PV:Sau khi nước rút, biện pháp trước mắt đảm bảo an toàn hồ đập. Công tác thi công, sửa chữa, bảo vệ an toàn cho các hồ đập được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Hiện nay ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có 2 đập nhỏ bị vỡ, một hồ 200.000m3, một hồ 500.000m3. Đây là nhóm hồ nhỏ. Hiện nay phải chờ hết lũ sẽ đi kiểm tra. Còn những hồ còn lại có nguy cơ thì ngay trong lúc mưa lũ, chúng tôi đã chỉ đạo giám sát rất chặt. Từ tối qua thì các hồ được đặt trong tình trạng giám sát, kiểm tra thường xuyên, chỉ chờ nước rút sẽ kiểm tra lại các hồ và quyết định việc tích nước.

Trên địa bàn Nghệ An, hồ Vực Mấu là hồ lớn nhất tỉnh với dung tích hơn 70 triệu khối. Hôm qua, tình trạng xả lũ khá lớn gây ngập vùng hạ du trong đó có thị xã Hoàng Mai và một số vùng của Quỳnh Lưu. Nguyên nhân do cường độ mưa rất lớn kết hợp với triều cường. Qua báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An thì thấy tuân thủ đúng quy trình và tuân thủ thông tin đến chính quyền các xã, phường của Hoàng Mai. Tuy nhiên, cũng có một số hộ dân chưa nhận được thông tin. Chúng tôi cũng đang đề nghị báo cáo làm rõ việc này.

PV:Trước tình trạng một số hồ đập ở Bắc Trung Bộ xuống cấp, nguy cơ vỡ đập thì trong thời gian tới, Chính phủ cần đầu tư và rà soát lại quy hoạch hồ chứa như thế nào để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp và cắt lũ hạ du, thưa ông?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng:Trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh khác có nhiều hồ đập rất lớn, mỗi tỉnh trên 600 hồ, đập trong đó có nhiều hồ đập lớn. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ quan tâm, trong 10 năm tập trung nhiều nguồn lực để nâng cấp 500 hồ, đập lớn. Tuy nhiên chúng ta phải đối mặt với rất nhiều hồ chứa vừa và nhỏ, đặc biệt là rất nhiều hồ nhỏ có nguy cơ mất an toàn. Do nhiều nguyên nhân như chất lượng hồ chứa nhỏ, xây dựng từ rất lâu, không đảm bảo và tác động của biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân. Mưa cực đoan trên phạm vi hẹp với cường độ cực lớn có nguy cơ xảy ra làm cho lũ vượt khả năng chịu đựng của hồ.

Để quản lý an toàn hồ đập, chúng ta vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực nâng cấp các hồ này. Nhưng biện pháp có thể làm được và cần làm ngay là tăng cường kiểm tra, giám sát hồ. Những hồ nào có nguy cơ phải có biện pháp giảm lượng nước chứa trong hồ, phát hiện sớm các sự cố tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, tăng cường hệ thống cảnh báo khi có mưa lũ xảy ra để kịp thời cảnh báo cho nhân dân, nhất là những vùng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là vùng hạ du. Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, nếu chúng ta tiến hành đồng bộ các biện pháp thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát được.

PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.