Cách Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 hơn 2 tuần, giá hầu hết các loại rau xanh, củ, quả ở Thủ đô Hà Nội đều tăng cao. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng liệu nguồn rau củ quả cung cấp cho Hà Nội trong dịp Tết có dồi dào và giá cả có hợp lý hay không?
Tại một số chợ như Ngọc Lâm, chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), giá hầu hết các mặt hàng rau, củ, quả tăng từ 5000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể: rau xà lách tăng từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; cải bắp từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; khoai tây tăng từ 16.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá cà chua tăng đột biến từ 15.000 – 30.000/kg. Ông Đỗ Văn Phong, bán hàng rau ở chợ Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Nói chung, tất cả các mặt hàng rau tăng giá. Thời tiết lạnh nên giá rau tăng, nếu trời ấm trở lại thì giá rau sẽ giảm. Nếu Tết mà rét khả năng rau sẽ thiếu”.
Lượng rau xanh cơ bản đủ cung cấp cho miền Bắc trước và sau Tết (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân khiến giá rau tăng trong những ngày qua là thời tiết lạnh, rau sinh trưởng kém, có nơi bị thiệt hại nặng, năng suất giảm. Ngoài ra, lợi dụng tình hình, nhiều tiểu thương cố tình đẩy giá lên để kiếm lời.
Tại một số vùng rau chuyên canh lớn ở Hà Nội như Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội)… do rét đậm, rét hại kéo dài, nên năng suất, sản lượng rau giảm đáng kể.
Nếu thời tiết những ngày tới có rét đậm thì khả năng khan hiếm rau có thể xảy ra. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã rau Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: Tại thời điểm này, rau ở Văn Đức không đủ cung cấp ra thị trường. Nhu cầu thị trường Tết cao, rau sẽ khan hiếm, trong khi thời tiết diễn biến thất thường, rét đậm, rét hại nên rau phát triển chậm, sản lượng giảm. Theo mùa vụ, rau thời điểm này phải ra giêng mới thu hoạch được, vì vậy, có thể rau sẽ thiếu hụt, giá cả cao hơn.
Nhận định về nguồn cung rau thị trường Tết, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với diện tích và sản lượng như hiện nay, lượng rau xanh cơ bản đủ cung cấp cho trước và sau Tết.
Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... theo tính toán đều dư thừa khoảng 30-50% sản lượng. Riêng Hà Nội, ước tính thiếu hụt 200.000 tấn rau.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương khẳng định, mặc dù ảnh hưởng của bão số 8 làm giảm năng suất nhưng rau phục vụ Tết tại thị trường trong tỉnh không thiếu, thậm chí Hải Dương còn đang cung cấp lượng lớn rau cho các địa phương, trong đó có Hà Nội.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa người trồng và người tiêu thụ nên nguồn rau cung cấp ra thị trường không ổn định. Ông Nguyễn Quang Đồng, nói:“Đối với các địa phương như Hải Dương không bao giờ thiếu rau, chỉ có thiếu ở thành phố lớn. Vấn đề là ở các thành phố lớn cần có chương trình dài hơi, hợp tác với các địa phương trồng rau, để chủ động. Có những năm chúng tôi trồng nhiều, rau thừa, không có người mua như năm 2012. Vì vậy, rất bị động trong việc phối hợp giữa các đô thị với vùng trồng rau”.
Như vậy, có thể khẳng định, các tỉnh miền Bắc sẽ không thiếu rau trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng làm sao cân bằng được lượng rau ở nơi thiếu và nơi thừa thì mới ổn định được thị trường và hài hòa lợi ích của người trồng rau, người tiêu dùng./.