Dư luận xã hội đang rất bức xúc với vụ bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) ở Bình Dương bị cha dượng và mẹ hành hạ, đánh đập dã man. Theo dõi thông tin trên báo chí thời gian vừa qua, bé Ngân không phải là trường hợp đầu tiên bị chính người thân của mình hành hạ, đánh đập. Dư luận băn khoăn rằng phải chăng các trường hợp trước đây cơ quan chức năng xử lý chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng trẻ bị bạo hành vẫn cứ tiếp diễn.

ba_hong_trxu.jpg
Bà Ninh Thị Hồng (Ảnh: Ngọc Phương)
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (VAPCR) cho rằng vấn đề ở đây không phải là xử lý không đủ mạnh, không đủ sức răn đe mà các biện pháp xử lý đều phải tuân theo quy định của pháp luật.

Theo bà Hồng, chính sự lên án của dư luận xã hội, thái độ của cộng đồng nơi cháu bé cư trú có giá trị mạnh mẽ hơn rất nhiều sự trừng phạt của pháp luật. Vì vậy, bà Hồng cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền để dư luận xã hội kịch liệt lên án những hành vi bạo hành trẻ em, đặc biệt những vụ bạo hành do chính người thân của các em gây ra. Phải nhấn mạnh hành vi bạo hành trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Khác với người lớn, bạo hành ở trẻ em không chỉ gây ra những vết thương về thể xác mà nó còn để lại những “vết sẹo” không gì xóa nổi trong tâm hồn của những đứa trẻ. 

Bà Hồng cũng cho biết, là cơ quan trung ương bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có công văn gửi công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bày tỏ quan điểm phản đối hành vi xâm hại nghiêm trọng quyền trẻ em xảy ra tại địa phương này, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần vào cuộc để làm rõ vụ việc, bảo vệ tuổi thơ của cháu bé này.

Như thông tin trên báo chí, chúng ta thấy rõ ràng tuổi thơ của cháu bé đã không được bảo vệ. Cháu bé này đã 4 tuổi nhưng chưa được làm giấy khai sinh do vậy các cơ quan chức năng ở địa phương không có bất cứ thông tin gì về cháu bé.

Bên cạnh đề nghị xử lý cha mẹ cháu bé về mặt hình sự, Hội cũng kiến nghị xử lý nghiêm về mặt dân sự theo Luật Hôn nhân gia đình. Hội đề nghị cơ quan chức năng về bảo vệ trẻ em ở địa phương thậm chí phải đưa ra tòa để hạn chế quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của đôi vợ chồng hờ này, không thể tiếp tục giao cháu bé cho họ chăm sóc để bảo vệ tính mạng của cháu bé.

Bé Ngân đang được chăm sóc tại bệnh viện (Ảnh: CTV Nguyễn An)
Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng sẽ đề nghị cơ quan Lao động-Thương binh-Xã hội của địa phương giám sát vấn đề này, tìm gia đình thay thế cho cháu bé. Trường hợp bà ngoại cháu bé nhận chăm sóc hoặc bất cứ gia đình nào cũng cần phải có sự giám sát của địa phương nơi họ cư trú để đảm bảo cháu bé được nuôi dưỡng tốt và không bị bạo hành. Bên cạnh đó, công tác giám sát cũng để đảm bảo sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm sẽ đến được tận tay cháu bé, chứ không bị lợi dụng dành cho việc khác.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh, qua vụ việc này, cần đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng bà con sống xung quanh nhà cháu bé đồng thời khuyến khích người dân khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu bạo hành cần thiết phải báo ngay cho cơ quan công an cũng như các cơ quan chức năng khác ở địa phương. Trẻ em rất cần có sự quan tâm của cộng đồng xung quanh. Bởi không chỉ người ngoài, mà ngay cả người thân của các cháu cũng bạo hành các cháu. Trong trường hợp của cháu Ngân, nếu những người hàng xóm không phát hiện can thiệp kịp thời không biết tình trạng của cháu bé sẽ ra sao.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, công tác giám sát phải được triển khai ở ngay địa phương, cộng đồng nơi các em sinh sống. Bà Hồng đề nghị, trong trường hợp của bé Ngân, giả dụ nếu giao cháu bé cho bà ngoại cháu chăm sóc, thì công tác giám sát phải được triển khai ở địa phương nơi bà ngoại cháu bé cư trú. Chính quyền địa phương nơi bà ngoại cháu bé cư trú phải giao cho Hội Phụ nữ hay Thanh niên thực hiện giám sát. Hội Bảo vệ quyền trẻ em chỉ có cơ quan đại diện ở Hà Nội và TPHCM không thể nắm rõ bằng chính các cơ quan chức năng ở địa phương và chính cộng đồng ở nơi cư trú của cháu bé.

“Có thể trước đây khi xảy ra bạo hành, cơ quan chức năng không phát hiện được, nhưng khi vụ việc đã xảy ra, không có lý gì lại để cháu bé tiếp tục bị hành hạ đánh đập”, bà Hồng nhấn mạnh./.