Doanh nghiệp Hàn Quốc vừa là bạn, vừa là anh em
Trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 – 2022), hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Ngay cả trong những lúc khó khăn trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc” vẫn luôn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả và đang hướng tới nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 78,7 USD, tăng 18,2% so với năm 2020, đạt 22,6 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2022, tăng 26,7%.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5/2022, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 9.288 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đạt 79,06 tỷ USD, chiếm 26% tổng số dự án đầu tư nước ngoài và 18,4% về tổng vốn. Như vậy, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đồng thời, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.
Có lẽ vì thế, khi được hỏi về vị thế của doanh nghiệp Hàn Quốc so với các doanh nghiệp FDI khác như thế nào, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã cho biết “Việt Nam ưa chuộng các doanh nghiệp Hàn Quốc không phân biệt giữa doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ chính bởi vì sự quyết đoán nhanh, tính cách quyết tâm đi đến cùng, theo đuổi quyết tâm đầu tư của họ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tuân thủ tốt luật pháp của nước sở tại, và thực hiện rất tốt các hoạt động trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt trong các hoạt động đóng góp cho xã hội”.
Còn với bản thân mình, ông Hoàng cho biết, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, SK, LG, Lotte...giống như bạn bè và anh em.
“Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng nên mỗi khi gặp nhau, tôi đều có cảm giác họ giống như anh em bạn bè vậy. Là đơn vị đầu mối đầu tư nước ngoài, tôi cũng mong muốn được tiếp xúc, làm việc nhiều hơn với các doanh nghiệp Hàn Quốc để lắng nghe trực tiếp các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, để từ đó báo cáo cấp có thẩm quyền và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm hướng giải quyết”, ông Hoàng cho biết thêm.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư hậu COVID-19
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng không coi Việt Nam chỉ là đối tác thương mại đơn thuần, mà như một đối tác kinh tế tương hỗ và bổ sung cho nhau.
Việc liên tục tăng vốn và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu trong giai đoạn hậu COVID-19 đã minh chứng cho điều đó.
Trong 5 tháng đầu của năm 2022, Việt Nam thu hút thêm được trên 2 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dấu ấn lớn nhất thuộc về Samsung với hai lần liên tiếp bổ sung vốn quy mô lớn chỉ trong nửa đầu năm 2022.
Tháng 6/2022, Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung HCMC CE Complex điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 841 triệu USD (nâng lũy kế vốn đầu tư lên hơn 2,841 tỷ USD). Đây là dự án nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng các loại bao gồm tivi thông minh, tivi LED và màn hình có độ phân giải cao, màn hình và sản phẩm gia dụng khác; trong đó có Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho các nhà máy điện tử của Tập đoàn Samsung, phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông.
Trước đó, tỉnh Thái Nguyên cũng thông báo tin vui ngay sau dịp Tết nguyên đán với nguồn vốn tăng thêm từ Samsung. Ngày 16/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) với nguồn vốn tăng thêm là 920 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư SEMV tại Khu công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên lên gần 52.0000 tỷ đồng, tương đương 2,27 tỷ USD.
Song song với các quyết định liên tục tăng vốn quy mô lớn, hiện Samsung đang gấp rút xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022 như cam kết với Chính phủ Việt Nam.
"Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xây dựng mới không chỉ là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam mà còn thể hiện ý chí của Samsung trong việc quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á", ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết.
Các dự án của Hàn Quốc thường có quy mô lớn và tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Đồng thời, ngoài đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn chia sẻ trách nhiệm xã hội với địa phương thông quan các hoạt động như xây dựng hạ tầng, hỗ trợ thiết bị giáo dục, y tế, tài trợ học bổng…
Đó chính là kết quả của mối quan hệ “Đồng hành – Tin tưởng và Thành công” như ông Đỗ Nhất Hoàng đã chia sẻ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc: "Tôi muốn thể hiện mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc bằng ba từ. Đó chính là đồng hành, tin tưởng và thành công. Điều đầu tiên và cũng là cơ bản, Việt Nam hoan nghênh sự đầu tư của Hàn Quốc và cam kết sẽ đồng hành với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng Chính Phủ Việt Nam, Việt Nam tin tưởng các doanh nghiệp và đồng hành cùng nhau. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diến biến phức tạp, hai nước đã hợp tác để xây dựng và áp dụng chính sách nhập cảnh đặc biệt nhằm duy trì các hoạt động kinh tế.
Trong thời điểm đó, áp dụng chính sách này đa số là doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong những trạng thái bình thường, việc đồng hành với nhau không có gì là khó, nhưng khi dịch bệnh, căng thẳng mà đồng hành với nhau mới là cái quý. Những kinh nghiệm quý báu này sẽ là nền tảng cho sự tin tưởng và đồng hành trong tương lai, cùng nhau hướng đến thành công"./.