Đồng bào dân tộc Thái ở xã Na Son, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) những năm gần đây đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây lạc đỏ theo hướng hàng hóa. Kết quả cho thấy, cây trồng mới này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng cũ, từ đó, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Nhiều năm chuyên canh trồng lúa trên 2.000m2 đất, nhưng năng suất, sản lượng không cao; được cán bộ xã tuyên truyền, 3 năm nay, gia đình anh Lò Văn Thiện ở bản Sư Lư, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng cây lạc đỏ. Đến kỳ thu hoạch, lạc tươi bán tại chỗ cũng được 17.000 đồng/kg, giá trị cao hơn lúa, ngô từ 3 đến 4 lần.

Anh Lò Văn Thiện cho biết: "Đối với trồng lạc, làm đất cũng tương tự như nhau, nhưng mang lại kinh tế cao. Cây lạc này bán ra thị trường giá cả cao hơn giúp kinh tế gia đình ổn định, xóa đói giảm nghèo".

Trước đây, bà con Na Son trồng lạc đỏ chủ yếu tự phát, manh mún nên năng suất, sản lượng thấp. Từ khi chính quyền địa phương chủ trương phát triển cây này theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; vận động người dân mở rộng diện tích; lạc đỏ Na Son đến nay đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương, nên năng suất, sản lượng và giá trị cũng đạt cao hơn.

Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: "Đến thời điểm này khi mà chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên địa bàn xã Na Son đặc biệt là cây lạc đỏ, so sánh trên cùng đơn vị diện tích trồng lúa, chúng tôi thấy nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương mà năng suất trồng lạc tương đối cao. Các thương lái, bà con ở các vùng lân cận như thành phố Điện Biên Phủ, hầu như là cung cấp không đủ. Tới đây, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp với xã để quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo theo chỉ tiêu". 

Hiện toàn xã Na Son đã có hơn 30 ha diện tích trồng lạc đỏ, với 200 hộ dân ở 5 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái tham gia. Với năng suất bình quân khoảng 15 tạ/ha, thu nhập từ cây lạc đỏ đã, đang từng bước giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện đến hết năm 2021 còn 45%.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: "Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho huyện mở rộng diện tích và quy hoạch vùng trồng cụ thể để định hướng cho bà con phát triển bền vững".

Từ những đặc trưng riêng và được thương lái ở nhiều nơi ưa chuộng, tìm đến thu mua, chính quyền và ngành nông nghiệp Điện Biên Đông hiện đang quy hoạch để phát triển cây lạc đỏ trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững./.